Hội thảo khởi nghiệp “Công nghệ - Vũ khí làm chủ cuộc chơi?” nằm trong chuỗi hoạt động cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2023, đã mang lại nhiều thông tin giá trị cho giới trẻ khởi nghiệp.
>>80 dự án của học sinh và sinh viên được trao giải trong Ngày hội SV-STARUP lần thứ V
Trải qua đại dịch Covid-19, bên cạnh tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, chúng ta quan sát và nhận ra những điểm sáng khá thú vị. Đó là những doanh nghiệp khởi nghiệp có lõi công nghệ đã được ban tặng cơ hội hiếm có để phát triển bứt phá.
Các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh truyền thống nhưng nhanh nhạy ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì có khả năng chống chịu, vượt qua, phục hồi sau khủng hoảng nhanh hơn; và sau dịch, các doanh nghiệp này lại tiếp tục phát triển vững chắc. Một trong những “vũ khí” bí mật của doanh nghiệp khi đối mặt với khủng hoảng chính là công nghệ.
>>Trường Đại học Lạc Hồng: Nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Năm 2023 tiếp tục được giới chuyên gia đánh giá là năm suy thoái kinh tế lên mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối diện với nhiều thách thức. Vậy thì công nghệ có tiếp tục là “Vũ khí” để các doanh nghiệp làm chủ cuộc chơi?
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, CEO BSSC, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) cho rằng, “Trong 13 năm hỗ trợ khởi nghiệp, BSSC là một trong những đơn vị cung cấp rất nhiều “vũ khí” cho các công ty khởi nghiệp. Trước đây, công nghệ được xem như là “thượng phương bảo kiếm” rất quyền lực, ai có “thượng phương bảo kiếm” thì có những lợi thế đặc biệt. Nhưng ngày nay, công nghệ đã trở thành “vũ khí” phổ biến và các doanh nghiệp cần phải trang bị nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Vậy thì “vũ khí” đó phải trang bị thế nào mới phù hợp với “cơ địa” của doanh nghiệp?”.
Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đã chứng kiến nhiều startup dùng “vũ khí” công nghệ hiện đại nhưng “quá sức” của mình. Chị Diệu Hằng nhấn mạnh quan điểm “sự phù hợp của công nghệ rất quan trọng”, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đặt trọng tâm yếu tố trải nghiệm khách hàng, sử dụng “vũ khí” công nghệ như công cụ để đạt được mục tiêu này, bà Diệu Hằng chia sẻ.
Ông Lê Yên Thanh, Founder & CEO Phenikaa MaaS cho rằng, chỉ cần doanh nghiệp khởi nghiệp chứng minh được năng lực công nghệ thì đã gọi vốn thành công. Nhưng nay, các quỹ, nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn nên doanh nghiệp khởi gặp nhiều thử thách hơn.
Trước đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ cần nghĩ đến việc có một công nghệ lõi và làm sao để kiếm tiền từ công nghệ đó. Hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp phải chọn công nghệ nào phù hợp để tồn tại và phát triển. Một trong những điểm quan trọng nhất là áp dụng công nghệ tối tân như thế nào, bởi một sản phẩm được tạo ra có hay ho đến đâu mà thị trường không đón nhận thì mọi thứ cũng vô nghĩa, ông Yên Thanh khẳng định.
>>Peaking Point 2023 mở đơn đăng ký - Tìm kiếm tài năng marketing
Tại hội thảo các diễn giả đều thống nhất quan điểm, dù có nghiên cứu, ứng dụng bất cứ công nghệ gì vào kinh doanh thì cũng cần xuất phát từ góc nhìn của đội ngũ vận hành và nhu cầu của khách hàng là đối tượng thụ hưởng. Để kinh doanh bền vững, chiến lược kinh doanh phải xoay quanh việc mang lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất, am hiểu tường tận cách thức vận hành của doanh nghiệp để biết ứng dụng công nghệ vào khâu nào sẽ giúp phát huy tốt nhất lợi thế của “vũ khí” công nghệ. Vì mục tiêu cuối cùng của công nghệ là mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Dự kiến Startup Wheel 2023 sẽ phủ sóng hơn 30 quốc gia trên 5 châu lục với gần 2.000 hồ sơ đăng ký tham gia. Startup Wheel 2023 chào đón startup quốc tế có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt, nhà nghiên cứu, cá nhân/nhóm khởi nghiệp, sinh viên và các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp. Startup Wheel 2023 sẽ là cuộc cạnh tranh của 02 bảng dự thi: Bảng Việt Nam và Bảng Quốc tế.Bảng Việt Nam: Trong Bảng này cuộc thi được phát động và tiếp nhận đăng ký trên toàn lãnh thổ lãnh thổ Việt Nam, không giới hạn độ tuổi.
Có thể bạn quan tâm