Ở Vũ Hán, Trung Quốc, có một màn trình diễn công nghệ hấp dẫn như trong bộ phim viễn tưởng đang diễn ra nhằm chống lại đại dịch cúm do chủng mới của virus corona gây ra
Phương pháp "tiền chế" và lắp ghép cho phép các công trình khổng lồ mọc lên nhanh chóng, nhưng chúng chỉ đáp ứng cho một mục đích sử dụng duy nhất và không có khả năng hoạt động ổn định lâu dài.
Ở Vũ Hán, Trung Quốc, có một màn trình diễn công nghệ hấp dẫn như trong bộ phim viễn tưởng đang diễn ra nhằm chống lại đại dịch cúm do chủng mới của virus corona gây ra, thứ đã cướp đi mạng sống của hàng trăm người và lây nhiễm cho hàng nghìn người khác.
Bằng nguồn lực cá nhân, chính phủ nước này đã quyết định xây dựng các cơ sở y tế mới, theo phương thức dã chiến và lấy tốc độ làm đầu. Từ con số 0, hai bệnh viện hoàn chỉnh với số giường bệnh lên tới hàng nghìn đã mọc lên chỉ trong vài ngày, thu hút sự chú ý của hàng triệu người theo dõi trực tuyến trong thời gian thực.
Phát sóng bởi các phương tiện truyền thông nhà nước, các cảnh quay từ drone trên công trường xây dựng cho thấy mọi thứ diễn ra như một vở ba-lê, của những chiếc máy ủi đào móng và sau đó là màn diễu hành của những chiếc xe tải vận chuyển cáp, thép, xi măng, máy phát điện... Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, khởi công vào ngày 24/1, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào ngày 3/2, sẽ có 1.000 giường, nằm trên một khu đất rộng 269.000 m2 ở rìa thành phố Vũ Hán. Bệnh viện thứ hai Lôi Thần Sơn, một cơ sở rộng 300.000 m2 với 1.300 giường bệnh, dự kiến sẽ mở cửa hai ngày sau đó.
Tốc độ xây dựng đột phá của hai công trình kiến trúc kỳ lạ này mang đến một số câu hỏi: Làm thế nào mà Trung Quốc có thể đạt được cột mốc thời gian xây dựng như thế này? Bởi một bệnh viện với quy mô tương tự, có đầy đủ dịch vụ với các thiết bị công nghệ y tế hiện đại, thường phải mất vài năm để hoàn thành.
Scott Rawlings, một kiến trúc sư hàng đầu trong mảng chăm sóc sức khỏe của công ty kiến trúc và kỹ thuật nổi tiếng HOK, đã làm rõ chân tướng về những gì mà người Trung Quốc đang xây dựng. Và theo ông, trên thực tế, hai bệnh viện nói trên là một dạng cơ sở y tế điển hình, nhưng giống một trung tâm phân loại để quản lý nhiễm trùng hàng loạt nhiều hơn là bệnh viện thông thường.
"Tôi sẽ ngần ngại khi đề cập đến các bệnh viện được xây dựng ở Vũ Hán ngày nay như một bệnh viện vĩnh viễn và chắc chắn đây không phải là một cơ sở cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ", Rawlings chia sẻ. "Khi thiết kế các công trình y tế, chúng tôi phải xem xét việc sử dụng và khả năng thích ứng của các tòa nhà trong khoảng 75 năm. Còn hiện tại, Trung Quốc không có được sự xa xỉ này trong quá trình thiết kế bệnh viện mới ở Vũ Hán."
Rawlings là người đang tham gia quá trình hoàn thiện một bệnh viện mới với 500 giường bệnh ở Thành Đô, và hai bệnh viện khác ở Hong Kong. Ông giải thích rằng đối với một dự án xây dựng bệnh viện điển hình, phải dành thời gian đáng kể để nghe tư vấn của các bệnh nhân, nhân viên y tế, quản trị viên y tế và cộng đồng xung quanh để đảm bảo có được một thiết kế hoạt động ổn định và phù hợp cho tất cả các thành phần.
Nhưng ở Vũ Hán, không có thời gian tham khảo thông tin tư vấn này và các quan chức thành phố đang sử dụng bản thiết kế từ bệnh viện Tiểu Sương Sơn (Xiaotangshan), một cơ sở y tế dã chiến với khoảng 1.000 giường bệnh. Nó được xây dựng tại ngoại ô Bắc Kinh, với thời gian lắp ráp chỉ một tuần, trong đại dịch SARS năm 2003.
Bệnh viện "tiền chế" - An toàn nhưng không phải lúc nào cũng bền vững
Sử dụng các đơn vị kiến trúc đúc sẵn là chìa khóa để tiến hành xây dựng các bệnh viện Vũ Hán hiện nay. Chúng gọi là phương pháp tiền chế. Các phòng bệnh được sản xuất tại nhà máy, sau đó được lắp ráp hoàn chỉnh rồi vận chuyển để thả vào đúng vị trí.
"Kỹ thuật xây dựng này hoàn toàn an toàn và đảm bảo", Thorsten Helbig, một kỹ sư kết cấu và là đồng sáng lập của công ty kỹ thuật của Đức mang tên Knpers Helbig chia sẻ. "Bạn chắc chắn có thể tạo ra các tòa nhà bằng phương pháp tiền chế mà không hề có khiếm khuyết."
Theo kỹ sư này thì với các đơn vị được lắp ráp trong môi trường được kiểm soát của các nhà máy, các nhà thiết kế và kỹ sư xây dựng có thể khắc phục mọi sự cố và đảm bảo tất cả các khối mô-đun hoạt động cùng nhau trước khi chúng được đưa vào thực tế. Mặt khác, việc xây các tòa nhà truyền thống phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và sự phối hợp của các nhà thầu khác nhau, những người làm việc trên các khía cạnh khác nhau của dự án. Trên thế giới, nhiều công trình lớn như chuỗi khách sạn Citizen M hay Marriott đều sử dụng phương pháp xây dựng tiền chế này trong kế hoạch xây dựng tổng thể.
Còn trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, các lực lượng quân đội của những quốc gia như Mỹ, cũng dùng phương pháp này để nhanh chóng dựng lên các bệnh viện dã chiến nhằm chẩn đoán và điều trị khẩn cấp, ở hầu hết mọi nơi. Có thể nói, công nghệ này đang tồn tại và được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Cũng theo Rawlings, Trung Quốc đã có kinh nghiệm lịch sử để đối phó với các dịch bệnh hàng loạt trong quá khứ.
"Theo nhiều cách, Trung Quốc đi trước Mỹ và các quốc gia khác khi đối phó với các đại dịch nhiễm trùng hàng loạt, ví dụ như với dịch SARS đầu những năm 2000", ông nói. "Trung Quốc cũng có thể có ít hạn chế về quan liêu hơn khi thiết kế và xây dựng các dự án lớn như dự án này, đặc biệt là khi có quá nhiều vấn đề."
Tuy nhiên bên cạnh công nghệ, có những yếu tố đáng chú ý khác cũng làm tăng tốc cho dự án xây dựng hai bệnh viện nói trên ở Vũ Hán. Đó là thiếu công đoàn lao động (mọi yếu tố liên quan tới chế độ bị xem nhẹ, không có tư tưởng phản đối), luồng lao động giá rẻ và ổn định và sự sẵn có của vật liệu xây dựng. Nhưng điều này không có nghĩa là các tiêu chuẩn xây dựng của Trung Quốc lỏng lẻo hơn so với các nước phương Tây.
Helbig, người đã làm việc cho một số dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Trung Quốc bao gồm sân bay Thâm Quyến và khu nghỉ dưỡng Disney ở Thượng Hải, nói rằng ông thấy an toàn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu ở Trung Quốc.
"Họ không làm những điều điên rồ nữa", Helbig nói. "Nỗi ám ảnh bấy lâu của họ đối với kỹ thuật và kiến trúc đã khiến các công ty xây dựng Trung Quốc trở nên vượt trội. Năm 2016, họ đã hoàn thành 84 tòa nhà chọc trời (độ cao trên 200 mét) so với chỉ có 7 tòa nhà ở Mỹ. Ví dụ như tòa Mini Sky City ở Hồ Nam, một tòa nhà chọc trời cao 57 tầng, được xây dựng trong 19 ngày."
Theo quan điểm của Helbig, sự khao khát đổi mới của người Trung Quốc lớn hơn so với ở Mỹ và châu Âu, đã giúp cho quốc gia này thoải mái hơn trong việc áp dụng các phương pháp xây dựng mới. "Họ rất cởi mở với các công nghệ mới và thay đổi về công nghệ. Điều này thực sự khác biệt so với các nước phương Tây, theo một số cách", ông nói. "Là một kỹ sư, tôi đánh giá cao thái độ này. Người Trung Quốc sẽ hiếm khi bám vào cách họ đã làm mọi việc trong quá khứ."
Nhưng khi các tòa nhà được xây nhanh và an toàn mọc lên ở Trung Quốc, thì chúng không nhất thiết phải đảm bảo tiêu chí luôn bền vững. Nói một cách đơn giản hơn, các bệnh viện này đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khi nói đến tính toàn vẹn cấu trúc, nhưng sẽ không đảm bảo các tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng. Và chúng gần như sẽ bị bỏ rơi sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình. Sau khi dịch SARS được ngăn chặn, bệnh viện Tiểu Sương Sơn ở Bắc Kinh đã bị quên lãng.
Theo Helbig, để giải quyết tình trạng này, cần phải làm nhiều hơn nữa trong việc thiết kế các bộ phận tiền chế, làm sao cho chúng thân thiện với môi trường và có thể tháo rời để tái sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp khác hoặc các cấu trúc hữu ích khác trong lần sử dụng sau.
Theo thông tin mới nhất, Bắc Kinh đã bắt đầu cải tạo lại bệnh viện Tiểu Sương Sơn để dự phòng trước sự bùng phát của dịch viêm phổi do coronavirus mới.