Công nghiệp Việt khó “bật lên” do thiếu trọng tâm và "dải mành mành"

Nguyễn Việt thực hiện 29/06/2019 11:10

Ngành công nghiệp Việt Nam nhiều thập kỷ nay không “bật” lên được là do đầu tư “dải mành mành”, cấu trúc lại ‘sàn sàn” nhau, không có lĩnh vực nào nổi bật và trọng tâm.

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Việt

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Việt

Đây là chia sẻ của TS Dương Đình Giám-  nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) với DĐDN về ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Khi nhắc đến ngành công nghiệp Việt Nam, nhiều người thường nghĩ ngay đến sự “èo uột” và tụt hậu. Theo ông, thực tế có phải như vậy không?

Một vài năm gần đây, phần chế biến nông, thủy sản đã khá hơn, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở khâu chế biết thô. Còn với ngành hàng sản xuất như dệt may, da giầy… tuy kim ngạch lớn nhưng giá trị gia tăng lại rất thấp. Những ngành chế biến, chế tạo khác như sản phẩm tiêu dùng, cơ khí luyện kim, hóa chất, thiết bị điện tử… cũng không có sự đột phá.

Có thể bạn quan tâm

  • VINFAST – “Thánh Gióng” của ngành công nghiệp ô tô thế giới

    VINFAST – “Thánh Gióng” của ngành công nghiệp ô tô thế giới

    14:00, 22/06/2019

  • VinFast

    VinFast "đổi vận” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

    11:26, 18/06/2019

  • Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của

    Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của "Detroit châu Á" và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc

    00:56, 01/05/2019

Chính vì không có sự đột phá nên chúng ta cảm thấy ngành công nghiệp Việt Nam đang rất ‘trầm lắng”. Tuy nhiên, lĩnh vực chế tạo ô tô thời gian qua bỗng nhiên có sự đột phá, đây không phải là phát kiến, mà do doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội từ ngành này này nên đã dồn lực để làm.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị cũng đã chỉ ra phải lựa chọn lại các ngành công nghiệp ưu tiên. Do đó, Việt Nam muốn phát triển nhanh thì ngành công nghiệp sẽ có nhiều lĩnh vực có thể lựa chọn. Khi lựa chọn thì nên tập trung, không dàn trải.

-Bất chấp nhiều nỗ lực, nhưng ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, công nghiệp ô tô nói riêng vẫn chủ yếu dựa vào một số ít các cơ sở lắp ráp, trong khi các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển, thưa ông? 

Phát triển công nghiệp ô tô có 2 xu hướng. Thứ nhất, với các liên doanh đầu tư nước ngoài vì muốn có lợi nhuận nhanh nên thường nhập khẩu linh kiện, thiết bị về lắp ráp. Mặt hàng nào sản xuất ở Việt Nam mà có lợi, không cần phải đầu tư nhiều, có thể mua được ngay thì họ mua. Cho nên, tỷ lệ nội địa hóa vẫn chỉ “loanh quanh” trong khoảng 10%.

Ví dụ, dòng xe Innova có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất gần 30%. Lý do cao vì các yêu cầu về kỹ thuật, kiểu dáng không có gì đặc biệt nên có nhiều thiết bị mua được tại Việt Nam. Còn xu hướng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ thì các hãng sản xuất ô tô thường không có ý định.

Thứ hai, với một số nhà sản xuất ô tô trong nước như Vinaxuki muốn lấy công nghiệp hỗ trợ trong nước làm nền tảng để đi lên. Chiếc ô tô của hãng này đã gần như do Việt Nam sản xuất, vì đã dập được khung, vỏ, bệ, gầm… chỉ riêng máy thì phải nhập khẩu. Nhưng nếu để cạnh tranh được về giá thì chất lượng thấp, còn bảo đảm được chất lượng thì giá lại cao và khó cạnh tranh.

-Và trong bối cảnh đó, Vinfast ra đời và chọn cho mình hướng đi trung gian giữa hai thái cực, thưa ông?

Là người đi sau nên Vinfast có lợi thế ‘đặt hàng” với một số nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ô tô chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với những sản phẩm khó, thay vì nhập khẩu, thì Vinfast có chủ trương đầu tư sản xuất không phải tại Việt Nam mà làm ở nước ngoài. Hãng này cũng không phải đầu tư trực tiếp tại nước ngoài, mà cùng góp vốn để hy vọng kiểm soát được giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Theo tôi, với cách tiếp cận của Vinfast như vậy là hợp lý.

-Như vậy, trường hợp Vinfast là nhân tố đột phá cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, thưa ông?

Đây là cách làm mới, nhưng để làm được thì cũng cần phải có một số điều kiện nhất định.

Thứ nhất, mối quan hệ của Vinfast với nhà sản xuất linh kiện phụ tùng. Những nhà cung cấp linh kiện nhận thấy Vinfast có nguồn lực và thực tâm muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam nên đã chấp thuận cùng chung cổ phần.

Thứ hai, góp vốn để kiểm soát giá cả và chất lượng, nhưng để làm được việc này thì bản thân đội ngũ cán bộ nhân sự của Vinfast từ tài chính đến kỹ thuật phải đáp đạt tới trình độ tương ứng.

Mong muốn của Vinfast là thông qua lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy - một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác. Vingroup mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông đánh giá thế nào về kỳ vọng này của Vinfas?

Kỳ vọng đó rất đáng trân trọng, vì công nghiệp ô tô là lĩnh vực khó, nếu thành công sẽ có tác động rất nhiều đến ngành công nghiệp nói chung. Thực tế, các nhà sản xuất ô tô lớn ở Việt Nam cũng đã trải qua bước thăng trầm như Vinaxuki, Thành Công, Thaco Trường Hải… mặc dù họ cũng đã có những bước đi thành công.

Còn thông điệp của Thủ tướng với hiện tượng Vinfas: Dự án này có ý nghĩa rất lớn, giải quyết ngay 25.000 lao động, kéo theo hàng trăm nhà máy, xí nghiệp phụ trợ phục vụ ô tô và trong tương lai sẽ đóng góp ngân sách bằng mức thu nội địa của Hải Phòng… Việc khởi công dự án này là một cử chỉ yêu nước đáng được trân trọng?

Cá nhân tôi cũng đánh giá cao kết quả này, tuy nhiên đây chỉ là những bước đi ban đầu. Mục tiêu cuối cùng là kích thích các lĩnh vực công nghiệp khác của Việt Nam phát triển, và việc này hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược của Vinfast. Điểm khác biệt của Vinfast là không làm ngay công nghiệp hỗ trợ, vì rất có thể sẽ dẫn đến thất bại như Vinaxuki. Bước chuyển từ đầu tư để có được sản phẩm ở nước ngoài đến việc để các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay thế dần là cả quá trình. Thời gian càng rút ngắn thì hiệu quả càng lớn, tất nhiên đây cũng được nhìn nhận như một hướng đầu tư mới, còn triển vọng thực sự thì vẫn còn đang ở phía trước.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để biết liệu Vinfast có thành công hay không, nhưng cách mà doanh nghiệp này đang triển khai chiến lược, tiềm năng của thị trường xe hơi Việt Nam, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và sự đón nhận nhìn chung tích cực của công chúng Việt Nam... tất cả làm sống dậy hy vọng cuối cùng Việt Nam sẽ có thể phát triển thành công ngành công nghiệp ô tô của riêng mình, thưa ông?

Chúng ta đừng suy nghĩ Việt Nam sản xuất được ô tô thì uy tín về công nghiệp của Việt Nam được nâng lên. Theo tôi, công nghiệp cơ khí là nòng cốt cho các ngành công nghiệp, tiêu biểu cho ngành cơ khí chính là công nghiệp ô tô. Có thể có ngay sản phẩm là chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam, nhưng từ chiếc ô tô này sẽ thúc đẩy ngành cơ khí nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng cùng phát triển mới là điều cần quan tâm hơn cả, chính phủ nên ủng hộ để doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu này.

-Theo ông, sự trỗi dậy của Vinfast nếu bền vững liệu có trở thành bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển kinh tế và công nghiệp hóa của Việt Nam hay không?

Đây là bước khởi đầu rất đúng đắn, vì tôi đánh giá Vingroup là một tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam. Và nếu họ thật sự tập trung phát triển ngành công nghiệp ô tô thì chắc chắn sẽ thành công, và đây có thể là mẫu hình để các lĩnh vực khác cũng học tập, ngành cần có những doanh nghiệp có đủ tiềm lực, còn doanh nghiệp tìm được ngành tâm huyết để đầu tư phát triển.

-Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công nghiệp Việt khó “bật lên” do thiếu trọng tâm và "dải mành mành"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO