Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.
>>> Hà Nội công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống
Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đây là đề xuất có tính pháp lý, kế thừa tất cả các đề án đã có từ trước, nhằm tạo ra sự hấp dẫn mới cho khu vực bờ bãi sông Hồng. Nếu được phê duyệt đây sẽ là một để án phân khu nằm trong đề án Thành phố ven sông Hồng.
Trên thế giới, việc quy hoạch đô thị ven sông đã được chú trọng từ nhiều năm trước và đem lại những giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho nhiều thành phố lớn như London, New York, Seoul…
Sông Thames ở London, Anh, với diện tích lưu vực khoảng 14.250 km2, là một ví dụ điển hình. Với việc tạo ra những công trình kiến trúc công cộng mang tính biểu tượng như tòa nhà Millennium Dome, cải tạo các bến tàu thành khu kinh doanh mới như khu phức hợp Canary Warf…, khu vực ven sông trở nên có bản sắc riêng và đóng vai trò đầu tàu kinh tế lớn.
Thành công tương tự cũng diễn ra tại New York, Mỹ - một siêu đô thị nằm bên bờ sông Hudson bắt nguồn từ hồ Tear. Con sông là trọng tâm chính của sự phát triển trong khu vực, đóng vai trò như một hành lang giao thông và thương mại, chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các khu dân cư và trung tâm công nghiệp ven sông.
Có thể bạn quan tâm |
Theo kiến trúc sư Philippines Felino Palafox, những thành phố có quy hoạch ven sông thành công trên thế giới đã kết hợp một cách ấn tượng những công viên đầy sức sống, lối đi bộ, hoạt động văn hóa, cùng không gian cho dân cư và thương mại, thu hút cả người dân địa phương và du khách, giúp đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, việc khai thác bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa - du lịch đã được đặt ra từ vài chục năm nay tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được. Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ ban hành đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến vào tháng 6, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh.
Theo kế hoạch, công viên được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên, kết hợp giữa không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, phong tục tập quán truyền thống. Ngoài ra, không gian nghiên cứu đồ án khác biệt ở chỗ đây là khu vực dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.
Trước đề xuất trên, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định: “Mục tiêu của đề án, trước hết là khai thác tiềm năng quỹ đất, vì khu vực bãi sông Hồng quỹ đất rất lớn, cần được khai thác. Việc xây dựng công viên văn hóa, du lịch ở bãi giữa sông Hồng không chỉ phục vụ mỗi mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời tạo lập trục cảnh quan mang tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội”.
Chia sẻ với DĐDN, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng bài toán quan trọng cần giải quyết trong quy hoạch đô thị ven sông Hồng là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Từ lâu nay, vấn đề đi lại ở khu vực này vẫn còn bất cập. Do đó, địa phương cần cân nhắc phương tiện, đường đi sao cho thuận tiện, an toàn với người dân.
Đồng thời, ông cho rằng quy hoạch công viên tại đây đòi hỏi thêm những tính toán để đáp ứng nhu cầu ăn uống, dịch vụ khác của người dân.
"Ngoài thiết lập khu vui chơi, thể thao, địa phương cần tính đến việc quy hoạch những công trình khác như nhà dân, quán ăn. Các công trình này chiếm tỷ lệ ít trong tổng số đất sử dụng, nhưng rất quan trọng. Người dân không thể ra đó vui chơi, rồi lại chạy vào trong nội đô ăn uống", ông Chính đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, giải quyết bài toán thoát lũ cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu, đòi hỏi việc bố trí nguồn lực thích hợp, thích ứng với giải pháp khoa học nhằm đảm bảo an toàn. Bởi dòng nước sông Hồng có tính biến đổi lớn giữa các mức báo động và mỗi cấp độ báo động lũ sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau đến dự án.
Dưới góc độ văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc quy hoạch bãi giữa, bãi bồi sông Hồng có thể thực hiện hiệu quả nếu như có đủ điều kiện về vật chất, vốn liếng, khả năng quản lý. Nhưng quy hoạch, phát triển thế nào để giữ được giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất này là bài toán được đặt ra.
Theo kế hoạch của quận Hoàn Kiếm, địa phương dự kiến quy hoạch mạng lưới giao thông nội bộ, đường dạo của khu vực bãi giữa, bãi ven sông Hồng theo hướng thiết kế thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống, tổ chức lại bãi tắm sông hiện có cho sạch đẹp, hấp dẫn du khách.
Việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch sông Hồng được duyệt: Giao trách nhiệm quản lý đất đai
05:00, 05/04/2022
Hà Nội yêu cầu nghiên cứu đề xuất của DĐDN về đồ án quy hoạch sông Hồng
16:20, 29/10/2021
Quy hoạch sông Hồng: Tận dụng đê hiện có làm hai tuyến đường ven sông
16:43, 27/07/2021
Quy hoạch sông Hồng: Bỏ 2 khu dân cư, xây tuyến đường ven sông không hợp lý
01:30, 20/07/2021
KTS Hồ Thiệu Trị: Giải "bài toán" quy hoạch sông Hồng
11:00, 07/04/2021