Chính trị

Cột cờ A Pa Chải khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc

Nguyễn Minh 07/05/2025 17:10

Cột cờ Quốc gia A Pa Chải không chỉ là công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc, mà còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.

Bản sao 09920250507125231
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô phát biểu tại buổi lễ.

Sáng nay (7/5), tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh tỉnh Điện Biên tổ chứcLễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải. Tham dự lễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải có Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ướng Đảng, Phó Tổng tham mưu Trường Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Chính ủy Quân khu II.

Lễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải là hoạt động chào mừng Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2025). Công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc, mà còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cột cờ A Pa Chải là công trình trọng điểm, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong hành trình xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Theo đó, dự án Cột cờ A Pa Chải được thực hiện theo Quyết định số 767/QĐ-UBND, ngày 4/5/2023 của UBND tỉnh Điện với tổng mức đầu tư 31 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Cột cờ A Pa Chải được khởi công xây dựng vào tháng 11/2023 trên đỉnh núi Khoang La San có độ cao 1.459m so với mực nước biển, thuộc dãy núi Khoang La San, cách “Mốc 0” nơi ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc khoảng 1.387m.

Bản sao 09820250507125223
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải.

Tổng thể khuôn viên cột cờ rộng 407m2, gồm phần đường dạo xung quanh, sân chào cờ, bồn hoa cảnh, trung tâm là Cột cờ, mang ý nghĩa sự gắn kết các dân tộc anh em quây quần quanh ngọn lửa thiêng của dân tộc. Từ trên cao nhìn xuống, khuôn viên được cách điệu như bông hoa ban nở giữa núi rừng Tây Bắc. Cột cờ cao 45,19m; kích thước lá cờ 7,5x5m, diện tích 37,5m2. Thân cột cờ được tạo khối dựa trên hình bát giác thể hiện sự cân đối chắc chắn, vững chãi và uy nghiêm phù hợp cho tính chất công trình là cột cờ linh thiêng của Tổ quốc.

Riêng phần chân cột cờ tạo điểm nhấn bằng 5 bức phù điêu mang hình ảnh đặc trưng văn hóa các dân tôc Tây Bắc, họa tiết dân tộc, theo 5 chủ đề: Sự tích Quả bầu mẹ - truyền thuyết của dân tộc Khơ Mú; Văn hóa tín ngưỡng và lễ hội; Lao động, sản xuất và nghề truyền thống; Dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian; Quảng trường 7/5 vòng xòe đoàn kết các dân tộc. Ngoài ra, đỉnh cột cờ ở cos +26,9m được ốp phù điêu đá có chủ đề Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc. Đường lên cột cờ gồm 519 bậc, bám vào địa hình tự nhiên của sườn đồi. Đường lên cột cờ gồm 519 bậc đá, tượng trưng cho 19 dân tộc anh em sinh sống tại tỉnh Điện Biên, được thiết kế hài hòa với địa hình tự nhiên của sườn đồi.

Phát biểu tại Lễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô khẳng định: Cột cờ Quốc gia A Pa Chải “Nơi Cực Tây của Tổ Quốc” không chỉ là công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc, mà còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Đây cũng là điểm đến văn hóa du lịch hấp dẫn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô đề nghị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trực tiếp là Đồn Biên phòng A Pa Chải tiếp nhận, quản lý, bảo vệ Cột cờ; đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức các nghi lễ Chào cờ khi có sự kiện và gắn liền với chức năng bảo vệ biên giới Quốc gia của Bộ đội Biên phòng, khẳng định chủ quyền đất nước nơi cực Tây.

Bản sao 09720250507125216
Lễ khánh thành công trình Cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) diễn ra trong không khí trang nghiêm.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tham mưu quản lý, giữ gìn cột cờ theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền quảng bá đa dạng hóa trên các phương tiện truyền hình, báo chí, mạng xã hội và ấn phẩm du lịch. Kết hợp với việc tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, chương trình trải nghiệm tới du khách trong nước, quốc tế và nhân dân.

Cấp ủy chính quyền địa phương và bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn đề cao vai trò trách nhiệm, tham gia giữ gìn vệ sinh, tuân thủ quy định về trật tự môi trường. Kịp thời phát hiện báo cáo với địa phương và lực lượng chức năng những dấu hiệu, hành vi xâm hại tới cột cờ, góp phần giữ gìn biểu tượng chủ quyền quốc gia nơi cực Tây của Tổ quốc.

Bản sao 01220250507125304
Lễ Thượng cờ được tổ chức trang nghiêm và trọng thể

Sau nghi thức gắn biển công trình,Lễ Thượng cờ được tổ chức trang nghiêm và trọng thể. Bài Quốc ca được cất lên với mọi trái tim cùng nhịp đập tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc. Đây không chỉ là một nghi thức thiêng liêng mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó có người dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, cũng là dịp mỗi người tự nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chủ quyền biên giới, lan tỏa tình yêu Tổ quốc, ý chí tự lực, tự cường của người dân Việt Nam.

Cột cờ A Pa Chải là điểm nhấn về mặt cảnh quan, du lịch, còn là biểu tượng của lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phát triển bền vững. Đây sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia tại khu vực biên giới. Công trình sẽ trở thành một điểm nhấn cho cung du lịch Điện Biên – Cực Tây A Pa Chải, tạo động lực lớn cho du lịch phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cột cờ A Pa Chải khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO