COVID-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dệt may châu Á-Thái Bình Dương ra sao?

LINH NGA 22/10/2020 04:00

Nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành dệt may khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo nghiên cứu Tác động lan tỏa trong chuỗi cung ứng: “Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến người lao động và các nhà máy ở châu Á và Thái Bình Dương” do Văn phòng ILO tại Việt Nam vừa công bố cho thấy, doanh số bán lẻ ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến người lao động và các doanh nghiệp trong toàn bộ các chuỗi cung ứng.

10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực bị ảnh hưởng bao gồm: Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.

Công nhân dệt may Bangladesh. Ảnh: Asahi

Công nhân dệt may Bangladesh. Ảnh: Asahi

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh, do các biện pháp phong tỏa mà chính phủ áp dụng và do gián đoạn trong nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may.

Tính đến tháng 9/2020, gần một nửa số việc làm trong các chuỗi cung ứng dệt may đều phải phụ thuộc vào nhu cầu hàng dệt may của người tiêu dùng tại các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất mà tại đó doanh số bán lẻ đã giảm mạnh.

Trong khi đó năm 2019, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% tổng số công nhân dệt may trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng xác định đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến phụ nữ, vốn là đối tượng chiếm số đông trong lực lượng lao động trong ngành dệt may.

Mặc dù các chính phủ trong khu vực đã chủ động ứng phó với khủng hoảng, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng vẫn có hàng nghìn các nhà máy trong khu vực đã phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tình trạng cho công nhân nghỉ việc tạm thời và sa thải nhân công tăng mạnh. Còn những nhà máy có thể hoạt động trở lại đa phần chỉ hoạt động với số lượng nhân công đã bị cắt giảm so với trước.

Ông Christian Viegelahn, chuyên gia kinh tế lao động của Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết “Trung bình, một nữ công nhân dệt may trong khu vực đã mất ít nhất 2 đến 4 tuần làm việc, và chỉ có 3 trên 5 người được gọi trở lại làm việc khi nhà máy mở cửa hoạt động trở lại. Tình trạng giảm thu nhập và chậm trả lương cũng là tình trạng phổ biến của các công nhân dệt may vẫn có việc làm trong quý 2/2020”.

Do vậy, nhóm nghiên cứu kêu gọi cần thực hiện đối thoại xã hội mang tính bao trùm và thực chất hơn ở cấp quốc gia và cấp ngành ở mọi quốc gia trong khu vực. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như việc mở rộng diện bao phủ của an sinh xã hội tới người lao động, đặc biệt là phụ nữ.

zvc

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì lực lượng lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến tổng cầu giảm mạnh, đầu ra của sản phẩm gần như bị "đóng băng". Hầu hết các doanh nghiệp dệt may trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và các giải pháp hỗ trợ không được đẩy nhanh, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, thậm chí không ít đơn vị sẽ phá sản.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng năm 2020 ước đạt hơn 25,5 tỷ USD, giảm khoảng 12%. Các sản phẩm xuất khẩu khác như vải mành, vải kỹ thuật giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020, mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may là 40 tỷ USD nhưng theo dự tính chỉ có thể đạt 32 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng truyền thống của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là veston, sơmi giảm 70%, thậm chí là 80%. Tình trạng thiếu đơn hàng những tháng cuối năm tạo thách thức lớn đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành dệt may tiếp tục gặp khó những tháng cuối năm

    Ngành dệt may tiếp tục gặp khó những tháng cuối năm

    05:30, 11/08/2020

  • "Cuộc thử lửa" khốc liệt với ngành dệt may

    04:24, 30/07/2020

  • Cơ hội từ EVFTA: (Bài 1) Ngành dệt may cần “trở mình”

    Cơ hội từ EVFTA: (Bài 1) Ngành dệt may cần “trở mình”

    15:08, 15/06/2020

  • Hiệp định EVFTA:

    Hiệp định EVFTA: "Nút thắt" xuất xứ nguyên liệu đối với ngành dệt may

    05:40, 14/06/2020

  • "Liêu xiêu" vì COVID-19, EVFTA có "giải nguy" được cho ngành dệt may?

    06:00, 20/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COVID-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dệt may châu Á-Thái Bình Dương ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO