Giới chuyên gia cho rằng, 6 tháng cuối năm ngành dệt may Việt Nam mới thật sự bước vào giai đoạn khó khăn và xuất khẩu của ngành này sẽ tiếp tục giảm từ 14-18%.
Theo Bộ Công thương, 7 tháng đầu năm, sản xuất dệt tăng 1,8%, sản xuất trang phục giảm 4,6% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của ngành khoảng 32,75 tỷ USD, giảm 16% so với 2019.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ dẫn đầu đạt 4,84 tỷ USD, chiếm 45,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 15,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Nhật Bản đứng thứ hai về kim ngạch, đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 13,2%, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường EU đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 11,8%, giảm 19,1% so với cùng kỳ. Và xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 9,8%, giảm 11,5%.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), quý II là quý khó khăn nhất của ngành dệt may khi khách hàng tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU đều hủy đơn hàng do các thị trường đồng loạt đóng cửa. Tỷ lệ bị hủy đơn hàng trung bình trong ngành là từ 30% - 70%. Trong khi để chuẩn bị cho đơn hàng Xuân Hè, các doanh nghiệp đã tăng cường trữ hàng trước đó. Đơn hàng giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao cùng với áp lực chi trả tiền lương nhân công đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Trên thực tế đã có khoảng 80% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Hầu hết doanh nghiệp đang trong tình trạng tìm mọi cách duy trì hoạt động ở mức 50% công suất. Tính đến hết tháng 6 thiệt hại của ngành dệt may do dịch COVID-19 có thể lên tới hơn 12,000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp sản xuất theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) chịu nhiều rủi ro nhất khi khách hàng hủy đơn hàng.
Để cầm cự, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang xuất khẩu khẩu trang như một giải pháp tạm thời trong bối cảnh sụt giảm các đơn hàng truyền thống. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 5/2020, cả nước đã có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu 321 triệu chiếc khẩu trang y tế. Những thị trường lớn xuất khẩu khẩu trang của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ.
Tuy nhiên, sản xuất khẩu trang chỉ mang tính thời vụ và không ổn định. Thị trường khẩu trang vải kháng khuẩn trong nước cũng đã bão hòa. Hơn nữa, các giấy chứng nhận FDA, CE… về chất lượng khẩu trang sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải, khẩu trang y tế sang Mỹ và EU.
Theo Hội Dệt may thêu đan TP. HCM, đơn hàng may mặc của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố liên tục suy giảm, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu (chiếm đến 70-80% xuất khẩu của Việt Nam) gần như tê liệt, đơn hàng khu vực châu Á nhỏ giọt. Nhiều doanh nghiệp dệt may chưa có đơn hàng giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp, thì giá đã giảm mạnh do thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Đại dịch COVID -19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến cả hai phía cung và cầu của nền kinh tế. Nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động dự trữ, giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình và hành động dè dặt trong đầu tư, chi tiêu của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, COVID-19 còn tác động đến nguồn cung khi gây nên sự đứt gẫy, gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc nhiều nhà máy phải tạm thời đóng cửa, hạn chế mở các cửa hàng ở một số quốc gia, gây nên tâm lý dự trữ của người tiêu dùng.
Giới chuyên gia nhận định, 6 tháng cuối năm 2020 các doanh nghiệp ngành dệt may mới thực sự bước vào giai đoạn khó khăn khi các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may như veston, sơ mi cao cấp gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối diện với làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 vừa mới quay trở lại hồi cuối tháng 7 và đang có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.
Do vậy, các chuyên gia dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020 tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với 2019.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang đón nhận những cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA khi 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 8 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm
EVFTA “mở khóa” quy tắc xuất xứ cho dệt may
11:01, 30/07/2020
"Cuộc thử lửa" khốc liệt với ngành dệt may
04:24, 30/07/2020
Doanh nghiệp dệt may: Đa dạng giải pháp duy trì tăng trưởng
11:00, 26/07/2020
Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Italia đầu tư vào dệt may, da giày
19:47, 30/06/2020
Dệt may cần khu công nghiệp chuyên biệt
05:30, 27/06/2020