Chuyện làm ăn

DPP – Tấm “hộ chiếu” cho dệt may Việt vào Châu Âu

Quân Bảo 13/04/2025 04:41

Để vẫn sang được châu Âu thời gian tới, doanh nghiệp phải “xanh” hóa quy trình, sau đó phải chứng minh được việc “xanh” qua DPP.

Dệt may là một ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong 15 năm qua, ngành này có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,1% mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước tính đạt trên 44 tỷ USD. Ngành này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 2 triệu người.

Theo số liệu Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội – đưa ra tại Hội nghị Khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da giầy (NSCTEX2025) tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/04/2025 thì Châu Âu là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch với giá trị từ 4-5 tỷ USD.

img_2880.jpg
Tiến sĩ Hiệp: "Doanh nghiệp phải chứng minh được 'mình xanh' qua DPP"

Tuy nhiên, Châu Âu lại rất nổi tiếng là một thị trường yêu cầu tính bền vững, tuần hoàn rất khắt khe. Hàng dệt may nhập vào thị trường này phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, như phải đảm bảo tính sinh thái, không tác động xấu đến môi trường; Đảm bảo tính kinh tế, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả; hay Đảm bảo hiệu quả xã hội, v.v.. Với những yêu cầu này, hộ chiếu số sản phẩm (Digital Product Passport – DPP) là một điều kiện phải có.

DPP là một bản ghi kỹ thuật số nhằm minh bạch hóa dữ liệu liên quan đến sản phẩm dệt may trong suốt vòng đời sản phẩm, từ những thông tin sản xuất cho đến tiêu thụ, tái chế. DPP là sự kết hợp: Một định danh, với thông tin chi tiết có thể thay đổi trong suốt vòng đời sản phẩm (từ mỗi lô hàng đến từng sản phẩm đơn lẻ); Dữ liệu mô tả sản phẩm, quy trình sản xuất, xử lý; Dữ liệu về các bên liên quan; v.v.. Những dữ liệu này được thu thập và sử dụng bởi tất cả các bên tham gia vào quy trình tuần hoàn.

DPP sẽ có chức năng Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; Cung cấp thông tin cho các công ty; Quản lý dòng tài nguyên; Thúc đẩy tính tuần hoàn; Quản lý chỉ số bền vững; Giám sát thị trường; Theo dõi và truy vết sau bán hàng; Đảm bảo tuân thủ các quy định; Quản lý vòng đời sản phẩm; Nâng cao lợi thế cạnh tranh thương mại; và Xác thực sản phẩm.

Tham gia vào một hộ chiếu số sản phẩm dệt may có đến 8 bên, bao gồm: các công ty trong chuỗi cung ứng, các thương hiệu, nhà bán lẻ, cơ quan chức năng, các công ty chứng nhận và đánh giá, các nhà điều hành tuần hoàn, đơn vị truyền thông, và người tiêu dùng.

Tiến sĩ Hiệp cho biết, đến năm 2027, Châu Âu yêu cầu DPP có 9 chỉ số. Nhưng đến năm 2030 sẽ là 31 chỉ số và năm 2033 là tận 62 chỉ số. Nếu các sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng được lộ trình này thì sẽ chịu nhiều thiệt hại rất nặng nề.

“Nếu chúng ta không đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu của thị trường này vào năm 2027 thì thuế sẽ bị tăng lên rất cao”, Tiến sĩ Hiệp cho biết.

Để đáp ứng các tiêu chí yêu cầu trong DPP, qua đó giữ được thị trường Châu Âu, Tiến sĩ Hiệp cho rằng các doanh nghiệp Việt cần phải bắt tay ngay vào thực hiện “xanh hóa”, sau đó là phải có quy trình “chứng minh được là xanh”.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần "xanh hóa" quy trình sản xuất. Điều này bao gồm: Sử dụng nguyên liệu có khả năng tái chế; Thiết kế sản phẩm theo hướng sinh thái và có độ bền cao; Cải tiến quy trình sản xuất để giảm tác động môi trường; Sử dụng nguồn năng lượng sạch, giải quyết cả ba phạm vi phát thải khí nhà kính: tự phát thải (phạm vi 1), phát thải từ năng lượng mua (phạm vi 2), và phát thải ngoài doanh nghiệp (phạm vi 3)

Thứ hai, sau khi “xanh hóa”, doanh nghiệp cần chứng minh được điều này thông qua hệ thống DPP. Hệ thống này cần theo dõi toàn bộ chuỗi giá trị, từ nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất, đến mức độ xanh của sản phẩm. Để thực hiện DPP, việc triển khai hệ thống quản trị thông minh là bắt buộc. Tiến sĩ Hiệp cho biết, đã có những doanh nghiệp Việt Nam tự triển khai được hệ thống quản trị thông minh, kết nối được với hệ thống của hải quan khiến cho quy trình vận hành giảm thiểu được rất nhiều công sức và thời gian.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Hiệp cũng cho biết, thực hiện được những việc này vẫn còn rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Một khảo sát của châu Âu cho thấy, chỉ 35% số doanh nghiệp khảo sát sẵn sàng ứng dụng IoT (internet of things), 27% có nền tảng quản trị dữ liệu, đáng lưu ý là chỉ có 18% là sẵn sàng cho công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong khi đây là một công nghệ cốt lõi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Nếu chúng ta vẫn còn tư tưởng về chuyển đổi số ở mức độ thấp như vậy thì rất khó thích ứng với yêu cầu”, Tiến sĩ Hiệp đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DPP – Tấm “hộ chiếu” cho dệt may Việt vào Châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO