Đến nay, cả nước có khoảng 150 ổ dịch. Ngành y tế đã có nhiều bài học trong phòng, chống dịch như chần chừ sẽ rất nguy hiểm, phải truy tìm, cách ly nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng.
Tối ngày 19/8, Hà Nội đã họp thông tin về trường hợp ca dương tính mới nhất ở Hà Nội, đây là trường hợp thứ 12 tại Hà Nội tính từ ngày 25/7 tới nay. Đáng chú ý, sự xuất hiện ca bệnh mới chưa từng đi qua vùng dịch, bỗng dưng khiến cho các cơ quan chức năng phải đau đầu, và để lại những lo lắng nhất định trong cộng đồng.
Theo kết quả công bố của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 19/8, bệnh nhân dương tính vừa được phát hiện ở Bệnh viện E là ông L.B.N, 87 tuổi (BN 994) có địa chỉ tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Và Bệnh viện E lập tức được lệnh đóng cửa để cách lý phòng, chống dịch.
Trong vòng 1 tháng gần đây, bệnh nhân không ra khỏi xã Khải Xuân, gia đình cũng không có người đi đâu xa đến các khu vực có ổ dịch COVID-19. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền.
Đến tối 20/8, dư luận Hà Nội lại “thở phào” khi Bộ Y tế rút trường hợp BN994 ra khỏi danh sách những trường hợp mắc COVID-19 tại Việt Nam, Bệnh viện E hoạt động trở lại bình thường. Vì các kết quả xét nghiệm lại sau đó (bằng nhiều phương pháp khác nhau) đều cho kết quả âm tính. Bộ Y tế nhận định đây là một trường hợp khó, nên cần kiểm chứng lại.
Kể từ khi hay tin Việt Nam không còn ca nhiễm, nhiều người đã rất chủ quan. Nói đâu xa, khi cá nhân tôi đi tác nghiệp thấy người dân ra đường không đeo khẩu trang, có không ít người còn nói “không có dịch thì đeo làm gì”? Trong đó, phổ biến là tình trạng “3 không”: Không khẩu trang, không vệ sinh sát khuẩn và không thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m.
Để rồi hệ quả là sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng, đến ngày 25/7, Đà Nẵng là địa phương phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới. Đến thời điểm này, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tăng, tổng 1007 ca nhiễm trên 40 tỉnh/thành.
Điều đáng nói là tất cả các ca đều mất dấu F0 và được cho là lây lan tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố. Từ “nguồn” các bệnh viện này, nhiều ca nhiễm khác được phát hiện ở nhiều tỉnh thành khác. Điều này báo hiệu một thời kỳ mới, giai đoạn mới chống lại SARS-CoV-2 khó khăn hơn, và dự báo lâu dài hơn.
Đến nay, cả nước có khoảng 150 ổ dịch. Ngành y tế đã có nhiều bài học trong phòng, chống dịch như chần chừ sẽ rất nguy hiểm, phải truy tìm, cách ly nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng. Tiếp theo, các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó để tránh trường hợp phong tỏa một loạt bệnh viện sẽ khó khăn trong điều trị người dân cần cấp cứu.
Liên quan đến vấn đề này, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Đừng để chỉ một bệnh nhân mà phải phong toả cả bệnh viện. Phải phân luồng, phân tuyến ngay từ đầu, để khi không may có bệnh nhân thì lúc đó chỉ có khu vực này mới áp dụng triệt để biện pháp phòng lây nhiễm. Phải coi khoa hồi sức tích cực, cấp cứu, thận nhân tạo... là điểm yếu nên cần phòng ngừa chặt chẽ, quyết liệt…”.
Chính từ bài học phòng, chống dịch xảy ra ở một số như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng…, Bộ Y tế vừa có Công điện số 1263/BYT-CĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Hơn nữa, bản thân người dân không thể tự xác định mình có nhiễm COVID-19 hay không. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong nước phải chủ động kiểm tra COVID-19 khi bệnh nhân có triệu chứng tương tự. Không nên đợi khi tình cờ phát hiện ca dương tính mới truy vết, cách ly, dập dịch.
Các cơ sở y tế trên toàn quốc phải quán triệt áp dụng ngay, thực hiện đúng các bước phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 với tinh thần: “Mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là một chiến sĩ chống dịch”.
Còn với địa phương, dự kiến sớm nhất là 6 tháng cuối năm 2021 vaccine, các địa phương trong cả nước cần phải chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng vì dịch sẽ kéo dài (nếu không có vaccine, cuộc chiến chống dịch rất khó khăn). Cần phải chủ động để không bị lúng túng, thực hiện chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, trong trường hợp cần thiết thực sự mới cần đến Trung ương hỗ trợ.
Nói như quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thì "các cơ sở y tế phải rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong toả, nhiều bệnh nhân và nhiều cán bộ y tế dương tính để nâng cao cảnh giác, ứng phó thật nhanh nếu không sẽ bị luống cuống. Chúng ta chậm mấy ngày thì chu kỳ dịch đã nhân lên gấp đôi".
Chính vì vậy, mội người dân cũng như các cơ sở y tế cần triệt để loại bỏ hội chứng chủ quan trong phòng chống dịch. Phải xác định đây là cuộc chiến lâu dài, trường kỳ thì mới có cơ hội chiến thắng được giặc dịch.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 21/08/2020
06:00, 20/08/2020
05:00, 20/08/2020
11:05, 15/08/2020
11:12, 14/08/2020
01:27, 15/08/2020