Kinh doanh trực tuyến có thể nói là “cứu tinh” cho các nhà hàng ăn uống trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ra nhiều khó khăn như hiện nay.
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho các nhà hàng ăn uống tạm đóng cửa. Tuy nhiên, việc đóng cửa không có nghĩa là nghỉ, nhiều nhà hàng đã kịp thời xoay chuyển kinh doanh bằng hình thức trực tuyến. Và điều này đã phát huy hiệu quả, mặc dù doanh thu vẫn còn thua xa khi bán trực tiếp, nhưng cũng phần nào giúp cho mỗi cửa hàng đảm bảo đời sống cho người lao động và nhiều khoản chi khác.
Quán cà phê QB, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) những ngày thường luôn là một điểm cà phê đông khách. Doanh thu có thể lên tới vài triệu một ngày. Chấp hành chỉ đạo của tỉnh về việc tạm dừng kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng để phòng, chống dịch bệnh, chủ quán đã triển khai một Fanbage để cung cấp cà phê theo hình thức trực tuyến. Việc làm này ngay lập tức hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một dân nghiện cà phê QB cho biết, kinh doanh trực tuyến rất phù hợp trong thời dịch bệnh này. "Nếu thiếu một ly cà phê mỗi sáng, tôi cảm thấy bồn chồn lắm, rất may là QB đã cung cấp qua cách thức trực tuyến và chuyển tận nơi", anh Tuấn chia sẻ.
Theo chủ cửa hàng cà phê QB, việc kinh doanh trực tuyến tuy doanh thu chưa bằng 50% như thường ngày, nhưng cũng giúp cho cửa hàng vơi bớt được gánh nặng về tiền thuê địa điểm, cuốc sống của người lao động… “Trong thời dịch bệnh này, lo được như vậy cũng là rất may mắn rồi, chúng tôi sẽ cố gắng trụ vững và mong dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi”, chủ cà phê QB nói.
Có thể bạn quan tâm
04:47, 02/04/2020
09:12, 01/04/2020
14:47, 03/04/2020
23:54, 01/04/2020
00:11, 29/03/2020
Còn tại nhà hàng Xanh, số 433 đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn – một trong những nhà hàng có quy mô và khả năng phục vụ lượng khách lớn trên địa bàn, ngay từ ngày 28/3, nhà hàng đã xây dựng trang Fanpage Nhà hàng Xanh Online nhằm cung cấp đồ ăn, các món ăn gia đình đến tận nơi cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Điều hành nhà hàng cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và vẫn thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhà hàng chia từng tổ hoạt động dưới 10 người/ngày, khoảng 2 nhân viên làm bếp, 2 nhân viên giao hàng, 2 quản lý và 1 bảo vệ, đảm bảo cung cấp đủ dịch vụ cho khách. Qua 3 ngày hoạt động, dịch vụ của nhà hàng đã được nhiều gia đình sử dụng, trung bình mỗi ngày nhà hàng giao khoảng 300 đơn hàng, doanh thu khoảng 10 triệu đồng/ngày, giúp nhà hàng vớt vát lại được một phần doanh thu và còn tạo việc làm, thu nhập cho một số lao động.
“Do lường trước những diễn biến của dịch bệnh cũng như thực hiện nghiêm sự chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh, nhà hàng đã chuyển sang hình thức bán hàng ăn trực tuyến từ ngày 24/3/2020, trước khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo an toàn cho khách hàng và chính nhân viên, các bộ phận như: bếp, vận chuyển và quản lý được ở 3 khu cách biệt”, bà Yến nói.
Ghi nhận của PV tại một số cửa hàng kinh doanh trực tuyến cho thấy, các cửa hàng này đều chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch, đặc biệt là những nhân viên chuyển hàng, tất cả đều tuân thủ việc đeo khẩu trang cũng như các đồ bảo hộ khác, trước khi đi chuyển hàng cho khách và sau khi về đều vệ sinh tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn...
“Chúng tôi luôn xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi đều nghiêm ngặt với tất cả các bộ phận, đặc biệt là pha chế, bếp và vận chuyển. Bất cứ ai không chấp hành thực hiện từ những việc nhỏ nhất như đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn đều có thể bị sa thải. Để đảm bảo cho khách, chúng tôi cũng yêu cầu khách chuyển tiền bằng mobile Banking hoặc qua máy POS.”, chủ quán cà phê QB cho biết.