Trình độ y học Việt Nam trong điều trị bệnh nhân quốc tế mắc COVID-19 thêm một lần nữa được khẳng định thông việc chữa khỏi cho nhân viên Liên Hiệp Quốc mắc COVID-19 chuyển biến nặng.
Cụ thể, theo đề nghị của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp một bệnh nhân là nhân viên Liên Hiệp Quốc mắc COVID-19.
Người này đang công tác tại một nước trong khu vực và trong tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Bệnh nhân được đưa đến Việt Nam bằng máy bay riêng do Nhóm công tác sơ tán y tế khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc (MEDEVAC) thực hiện.
Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân này đã bình phục, xuất viện và rời Việt Nam ngày 15/6 để trở lại tiếp tục công tác.
Việc tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân là nhân viên Liên Hiệp Quốc theo cơ chế MEDEVAC, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Hiệp Quốc.
Nghĩa cử này thêm một lần nữa khẳng định truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, thiện chí và cam kết đóng góp của Việt Nam vào hợp tác quốc tế và tình đoàn kết quốc tế để cùng các nước vượt qua đại dịch COVID-19.
Trước sự kiện này, lãnh đạo và đại diện Liên Hiệp Quốc ở các cấp khác nhau đã bày tỏ sự cảm kích trước thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời đánh giá cao năng lực chuyên môn, khả năng đóng góp ngày càng lớn của ngành y tế Việt Nam đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế đất nước.
Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Atul Khare nhấn mạnh: Việc làm này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ Liên Hiệp Quốc hoàn thành nhiệm vụ của mình tại khu vực, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Atul Khare cũng cảm ơn Việt Nam tiếp tục cử lực lượng tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Cộng hòa Nam Sudan và đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các cán bộ, quân nhân được cử đi làm nhiệm vụ.
Trước sự sự tấn công của COVID-19 chủng mới, Việt Nam một lần nữa chứng minh được năng lực dự phòng và khả năng điều trị COVID-19. Trong đó, ngành Y tế đã đóng vai trò quan trọng là tuyến đầu trong công cuộc này.
Nhìn lại quãng thời gian qua, có thể thấy, ngay khi nhận được thông tin về những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn, mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, với quan điểm đặt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân lên trên hết. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với lực lượng tuyến đầu là y tế, quân đội...
Ở đợt bùng dịch lần thứ 4 này cũng vậy, Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế về một đất nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng với Chính phủ nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
“Những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa qua khiến chúng tôi thực sự ấn tượng vì hiệu quả của nó. Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam hoạt động rất tốt và chứng tỏ niềm tin của người dân với chính quyền”. - Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói.
Đặc biệt, trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, các nhà khoa học Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để từng bước nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu và sản xuất các sinh phẩm phục vụ xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đến nay, tại Việt Nam có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19.
Đầu tiên vaccine Nano Covax của Công ty CP Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Do điều kiện cấp thiết về vaccine phòng chống dịch bệnh, để thúc đẩy tiến độ nghiên cứu nhằm sớm có vaccine phục vụ công tác phòng chống dịch, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã tổ chức các cuộc họp, thảo luận kỹ và thống nhất cho phép triển khai gối đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đúng các quy định chặt chẽ về tính khoa học, đảm bảo chất lượng vaccine.
Ngày 11/6/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định số 2899/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax phòng Covid-19. Tổ chức nhận thử nghiệm lâm sàng là Học viện Quân Y và Viện Pasteur TP.HCM. Địa điểm triển khai tại Học viện Quân Y, tỉnh Hưng Yên, Viện Pasteur TP.HCM, tỉnh Long An, Tiền Giang và một số đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại các tỉnh triển khai nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu.
Vaccine này đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2 tại Thái Bình. IVAC dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều vaccine/năm; Nanogen dự kiến quy mô sản xuất khoảng 20-30 triệu liều vaccine/năm và cả hai đơn vị này đều có thể nâng công suất khi được đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang mở rộng tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ nước ngoài.
Mới đây nhất (tối 16/6), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Cuba Jose Angel Portal Miranda, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật gene và công nghệ sinh học Cuba (CIGB), Tập đoàn Dược - sinh học Cuba về vấn đề cung ứng vaccine phòng COVID-19 do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất, đóng ống vaccine này tại Việt Nam.
Phía Cuba cho biết, vaccine phòng COVID-19 Abdala của Cuba đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 thử nghiệm trên 123 người, giai đoạn 2 thử nghiệm trên 660 người và giai đoạn 3 trên 48.000 người có độ tuổi từ 19-80 tuổi. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine Abdala có khả năng ngăn chặn các loại biến thể của SARS-CoV-2.
Đáng chú ý, mới đây, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng COVID-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. Ngoài ra, VABIOTECH đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Trước đó, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, một doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ tinh chất mRNA (vaccine này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao, dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2). Hiện tại vaccine đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2. Nhà máy do doanh nghiệp này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm dự định bắt đầu sản xuất từ Quý 4/2021 hoặc Quý 1/2022.
Nói lại những mốc thời gian, những sự kiện trên để thấy, Việt Nam chẳng cần khoe khoang, hay quảng bá, mà chăm chỉ học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo với tất cả tâm huyết và trình độ của mình để đạt được những kết quả đáng tự hào. Trải qua 4 đợt dịch, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc hơn. Đặc biệt, bằng trí tuệ, tay nghề và tấm lòng nhiệt huyết với nghề, nhân ái, tận tụy với bệnh nhân, các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống giặc dịch của Việt Nam đã minh chứng cho cả thế giới thấy được sức mạnh tiềm ẩn của nền y học Việt Nam, của ngành Y tế nước nhà.
Việc Việt Nam tự sản xuất và đưa vào sử dụng vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021 đã và đang tạo tiếng vang đối với các nước trên thế giới. Điều này cũng là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của ngành y tế Việt Nam trong quá trình làm chủ công nghệ, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và ghi tên mình trên bản đồ y học thế giới.
Có thể bạn quan tâm
16:28, 17/06/2021
12:26, 17/06/2021
08:35, 17/06/2021
14:00, 16/06/2021
04:09, 16/06/2021
19:09, 15/06/2021
12:35, 15/06/2021
05:00, 14/06/2021
04:30, 14/06/2021