CPTPP chính thức có hiệu lực: Ngọn lửa giữa giá lạnh xung đột thương mại

Cẩm Anh 31/12/2018 05:30

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã chính thức có hiệu lực vào 30/12 ở 6 nước đầu tiên là Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Singapore

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (phải) và đại diện các nước tại lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago, Chile, ngày 8/3

Đại diện các nước tại lễ ký kết Hiệp định CPTPP ở Santiago, Chile, ngày 8/3

Theo đó, 3 thành viên đầu tiên là Nhật Bản, Canada và Mexico đã lập tức cắt giảm thuế. 90% thuế quan đối với hàng hóa trong sáu quốc gia đầu tiên đã được gỡ bỏ vào trong đợt cắt giảm đầu tiên. Mexico và Canada sẽ tiếp tục cắt giảm thuế đợt 2 vào ngày 1.1, Nhật sẽ tiến hành cắt giảm đợt 2 vào ngày 1.4, sau đó là Australia và Singapore.

Hiệp định này sẽ có hiệu lực ở Việt Nam sau 15 ngày nữa. Với các nước còn lại là Brunei, Chile, Malaysia và Peru, Hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi hoàn thành quá trình phê chuẩn. Có thể thấy, đây là thời điểm mà các quốc gia thành viên CPTPP đều mong chờ sau một thời gian dài đàm phán với nhiều trở ngại khi Mỹ rút lui. 

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Xuất khẩu New Zealand David Parker thông báo, một khi được áp dụng toàn phần, CPTPP sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa New Zealand ở thị trường toàn khối và giảm 222 triệu USD (5.150 tỉ đồng) thuế hằng năm đối với các nhà xuất khẩu New Zealand. Các nhà xuất khẩu rượu vang của đất nước này cũng sẽ hưởng lợi từ việc giảm thuế khi xuất khẩu sang thị trường Canada. 

Có thể bạn quan tâm

  • CPTPP chính thức có hiệu lực: 100% dòng thuế sẽ về 0% sau 7 - 10 năm

    12:15, 30/12/2018

  • CPTPP và cơ hội cho dòng FDI

    00:21, 30/12/2018

  • Dệt may gấp rút đón hiệu lực CPTPP

    11:03, 26/12/2018

  • Ngành gỗ Việt Nam cần chuẩn bị gì cho CPTPP?

    11:01, 23/12/2018

Đối với người nông dân Australia, Hiệp định này mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản, đặc biệt là với các mặt hàng thịt lợn, thịt bò và các sản phẩm từ sữa sẽ là những hàng hóa có lợi nhất. Canada và Mexico sẽ là hai thị trường mới của hàng hóa Australia.

Với Canada, sau khi Hiệp định NAFTA được sửa đổi, nhu cầu phải đa dạng hóa thương mại chưa bao giờ lại rõ ràng hơn thế. Bên cạnh những lợi thế về mặt thương mại, việc CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ giúp Canada tăng cường vị thế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tận dụng lợi thế của thị trường này đẩy mạnh xuất khẩu.

Với những điều khoản mở cửa thị trường của CPTPP, các nước tham dự đầu tiên sẽ có lợi thế đi trước và dược hưởng quyền tiếp cận tốt hơn và mức thuế thấp hơn tại các thị trường trọng điểm tại khu vực châu Á khi thuế quan đối với hàng hóa đã được cắt giảm. 

Nhật Bản sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 95% các mặt hàng, với một số lĩnh vực chính như gạo và thịt bò tiếp tục nhận được một mức độ bảo vệ nhất định. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ có thể mua thịt bò nhập khẩu và các mặt hàng thực phẩm khác với giá rẻ hơn nhiều trong khi các nhà sản xuất có thể đẩy mạnh xuất khẩu với việc loại bỏ thuế quan.

Các quy tắc hải quan mới theo CPTPP đã ngay lập tức khơi thông dòng chảy thương mại qua biên giới tại các quốc gia khi giải quyết thành công câu chuyện thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Qua đó, các quốc gia sẽ đảm bảo hàng hóa có thể được giao nhận trong vòng 48 giờ sau khi đến sân bay. Bên cạnh đó, việc cấp visa cũng sẽ trở nên nhanh hơn cho các thành viên gia đình đi cùng các doanh nhân khi di chuyển trong các quốc gia thành viên. 

Mặt khác, CPTPP cũng hạn chế các quốc gia tìm cách lưu trữ dữ liệu khách hàng trong nước trên các máy chủ nằm trên lãnh thổ. Các doanh nghiệp hoạt động trong các quốc gia thuộc khối có thể điều hành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu bằng cách sử dụng máy chủ ở quốc gia của họ hoặc ở nước thứ ba để giảm các khoản đầu tư thâm nhập thị trường mới.

Vỡi những điều khoản hấp dẫn mà CPTPP mang lại, các chuyên gia nhận định, những người nông dân, chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các nhà xuất khẩu tại sáu nước thành viên đầu tiên đã cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường quan trọng một cách thuận tiện nhất và nhanh chóng nhất. 

Bên cạnh các vấn đề thương mại và thị trường, các vấn đề pháp lý và thể chế, đòi hỏi cải cách trong quan điểm về thương mại cũng như vấn đề pháp lý và hành chính của Hiệp định CPTPP đã tạo động lực tích cực cho sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của các nước tham gia. 

Cụ thể, với Việt Nam, cơ hội lớn nhất từ CPTPP mang lại là cơ hội cải cách thể chế khi hướng tới việc sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát để phù hợp với các quy định của CPTPP, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.

Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, khi tham gia CPTPP, số việc làm được tạo ra từ năm 2020 trở đi cho lao động Việt Nam ở mức từ 17-27 nghìn việc làm hàng năm; đồng thời, tỷ lệ lao động kỹ năng sẽ tăng lên, thể hiện ở số việc làm với lao động có trình độ nhiều hơn theo từng năm kể từ khi CPTPP chính thức có hiệu lực.

Giáo sư Tom Chodor của Đại học Monash, Australia cho rằng, CPTPP là một công cụ hữu ích để các nước thành viên thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực trước sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Malaysia.. áp lực từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ là rất lớn khi áp dụng các thực tiễn công bằng. 

Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần phải có những chính sách hỗ trợ như thông tin đầy đủ về Hiệp định tơi các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh sự thụ động dẫn tới việc mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để các nước có thời gian chuẩn bị, đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh cơ cấu kinh tế, giúp các ngành nghề vươn lên và cạnh tranh được với các nước nội khối.

Việt Nam từ lâu đã là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giờ đây với việc CPTPP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14/1/2019, cánh cửa của Việt Nam sẽ chào đón nhiều luồng vốn đầu tư hơn bao giờ hết. Mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại, tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để tham gia CPTPP trong thời gian qua, đây là cơ hội để Việt Nam vươn mình thay đổi vị thế, khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CPTPP chính thức có hiệu lực: Ngọn lửa giữa giá lạnh xung đột thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO