Không ngừng nâng cao chất lượng công tác cải cách và tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu của Thái Bình.
Để thuận lợi ngay từ cơ sở giúp doanh nghiệp phát triển và tạo sức hút đầu tư, năm 2024, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo đổi mới cả nội dung và hình thức thực hiện, không ngừng nâng cao chất lượng đo lường Bộ chỉ số đánh giá DDCI, từ đó cải thiện chỉ số PCI trên bảng xếp hạng.
Thúc đẩy sự phát triển
Nhìn nhận về PCI tỉnh Thái Bình năm 2023 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đánh giá khách quan và nhìn nhận rất lạc quan về môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương này.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 đã phản ánh những kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính. Cụ thể, điểm số chỉ số “Chi phí thời gian” của tỉnh Thái Bình đạt 7,95 điểm, tăng rất mạnh 1,19 điểm so với năm 2022. Với điểm số này, Thái Bình là một trong 23 tỉnh/thành thực hiện tốt về công tác cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian thực hiện cho doanh nghiệp.
Trước hết, có thể thấy doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung ở mức độ cao. Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, thân thiện, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất hồ sơ. Các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, phí và lệ phí được niêm yết công khai,…
Đó là thành quả của một quá trình nỗ lực chuyển đổi số của các cấp chính quyền địa phương trên môi trường mạng. Ghi nhận từ khảo sát năm 2023 của cả nước cho thấy, gần 77% doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm thời gian và chi phí so với phương thức hồ sơ giấy trước đây; 77,8% doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Gánh nặng thanh, kiểm tra về cơ bản cũng đã giảm bớt đối với doanh nghiệp.
Mặt khác, nhìn vào chỉ số “Tính năng động của chính quyền” tỉnh Thái Bình năm 2023 cho thấy, tỉnh Thái Bình đạt 7,38 điểm, tăng 0,18 điểm so với 2022, xếp thứ 6 toàn quốc. Nhìn rộng ra, 10 năm trở lại đây, chỉ số này của tỉnh Thái Bình đã có sự vượt trội khá nhiều. Thậm chí, năm 2015, Thái Bình chỉ đạt 4,36 điểm.
Kể từ 2020 trở lại đây, tỉnh Thái Bình đã tăng tới 0,95 điểm. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn đặt niềm tin cao vào việc triển khai các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của lãnh đạo tỉnh Thái Bình; từ đó có những chủ trương, quyết sách đúng đắn nhằm đồng hành, hỗ trợ hơn với doanh nghiệp trong thời gian tới.
Để thúc đẩy tăng bậc PCI năm 2024, mới đây tỉnh Thái Bình đã quyết liệt đổi mới triển khai đo lường Bộ chỉ số DDCI. Việc đổi mới này đã thể hiện quyết tâm trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì sự phát triển của tỉnh.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Việc triển khai DDCI trong những năm qua đã góp phần tạo sự cạnh tranh, thi đua giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, qua đó thu hút nhà đầu tư, phát triển kinh tế bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu tỉnh Thái Bình gắn với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.
Theo ông Vẻ, bộ chỉ số DDCI năm 2024 của tỉnh có nhiều đổi mới từ đối tượng, nội dung đến phương pháp khảo sát. Trong đó, chất lượng DDCI cũng được UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu cao hơn, sát hơn với thực tiễn nhằm nhận diện rõ những điểm mạnh, hạn chế của các sở, ngành, địa phương. Qua đó, tỉnh Thái Bình có giải pháp chỉ đạo, chấn chỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Từ DDCI đến PCI
Để nỗ lực tăng hạng PCI hầu hết những tỉnh, thành phố duy trì hoặc có bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện qua kết quả điều tra PCI, đều là những nơi có tiến hành đánh giá chất lượng điều hành kinh tế ở cấp sở, ban, ngành, huyện, song hành với những nỗ lực cải cách hành chính tại địa phương.
Ví dụ như ở Lào Cai, Quảng Ninh, sau khi triển khai bộ chỉ số DDCI, hiệu quả điều hành kinh tế của các tỉnh này đã tăng rõ rệt. Cụ thể, chỉ số PCI của thành phố Hải Phòng nhiều năm liên tục nằm trong nhóm top đầu. Còn tỉnh Quảng Ninh đã trở thành “ngôi sao cải cách”, liên tục xếp thứ 1 toàn quốc về PCI trong các năm gần đây.
Được triển khai đánh giá ở phạm vi cả các sở, ngành, địa phương cấp huyện và cấp tỉnh, bộ chỉ số DDCI đóng vai trò như một công cụ theo dõi, giám sát việc thực thi ở các cấp có liên quan, để từ đó nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Được biết, sau khi triển khai khảo sát Bộ chỉ số DDCI năm 2024 của tỉnh đã nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình. Nhiều doanh nghiệp đồng tình và đánh giá cao chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai phương pháp khảo sát, điều tra DDCI năm 2024 theo cả hai hình thức trực tuyến sử dụng công nghệ và trực tiếp sử dụng thủ công.
Sự linh hoạt phương pháp khảo sát cho phép đa dạng và mở rộng đối tượng tham gia chấm điểm sẽ bảo đảm nâng cao số lượng phiếu khảo sát thu về theo yêu cầu và cho kết quả có tính đại diện, phổ quát, khách quan, chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Hải Nam – PGĐ Công ty TNHH Vận tải Nam Á: Việc Thái Bình công bố và đổi mới tích cực bộ chỉ số DDCI là cách làm vô cùng đúng đắn, thể hiện rõ khát vọng đổi mới của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới.
Ngoài việc ngày càng bám sát các chỉ số thành phần của PCI, Thái Bình cũng đã mạnh dạn triển khai hình thức khảo sát trực tuyến trong năm nay. Điều này sẽ giúp giảm chi phí triển khai DDCI, đảm bảo tính bền vững trong dài hạn. Đồng thời giúp phản ánh chính xác hơn, kịp thời hơn, toàn diện hơn các mặt quản lý, điều hành; tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt hơn công tác điều tra, xử lý số liệu, hiển thị kết quả và sử dụng kết quả phục vụ cho công tác quản lý, điều hành kinh tế tại các sở, ngành, địa phương của tỉnh...
Còn theo bà Phan Thị Châm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng cho biết: Việc có thêm chỉ số thành phần tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thể hiện sự nhạy bén, bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới của tỉnh và sẽ tạo ra động lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng tuần hoàn, xanh hóa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại diện Công ty may Việt Thái cho biết: Thời gian qua, công tác thi đua cải cách của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đặt ra yêu cầu mới khi các đơn vị phải đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Vì vậy, bộ chỉ số DDCI Thái Bình năm 2024 sẽ tiếp tục được chuẩn hóa để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng phục vụ của các cơ quan chính quyền. Từ đó sẽ thúc đẩy tăng bậc PCI của tỉnh.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, mục tiêu lớn nhất khi triển khai Bộ chỉ số DDCI là tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh.
Đồng thời tạo thêm kênh hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp phản ánh tiếng nói của mình tới chính quyền. Sự chủ động đổi mới triển khai đo lường Bộ chỉ số DDCI năm 2024 thể hiện sự quyết tâm của UBND tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ PCI vì sự phát triển của tỉnh.
Những sự đổi mới đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn và được cộng đồng người dân, doanh nghiệp đón nhận, hưởng ứng chắc chắn chất lượng DDCI năm nay sẽ được nâng lên và tác động tích cực đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh, hệ sinh thái phát triển của doanh nghiệp.