Đứng trước sự lựa chọn phải làm cuộc cách mạng cho công ty hoặc quay lại sản xuất kiểu thủ công cổ xưa, ông chủ của gốm sứ Minh Long - Lý Ngọc Minh đã quyết "mở con đường máu".
Ngắm nhìn những bộ sưu tập sản phẩm gốm sứ với nhiều phong cách khác nhau trong “giang sơn gốm sứ” của Minh Long 1 mới thấy hết tài năng và sự thăng hoa của người thợ gốm. Thành công này có được phần lớn là nhờ vào sự tìm tòi sáng tạo, năng động và những nỗ lực không biết mệt mỏi của người “chèo lái” con thuyền Gốm sứ Minh Long. Người đó là ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I.
Mơ về những giấc mơ lớn
Nói về nguyên tắc trong kinh doanh, ông chủ Minh Long nói: "Ngay từ đầu, sách lược của Minh Long là đầu tư vào chất lượng. Nguyên tắc của Minh Long là chỉ nhập những thiết bị từ những hãng tốt nhất thế giới, đứng thứ hai tôi cũng không nhập".
Ông ví dụ, cũng là một kiểu lò nung, người ta chỉ dùng những loại tốt có giá từ 100 – 200 ngàn USD thôi, còn Minh Long mua lò có giá từ 2 - 3 triệu USD. Chỉ một cái lò của Minh Long đã gấp 10 lần lò của nơi khác, huống chi hệ thống máy móc thiết bị...
Rồi năng lượng, thường người ta nung chỉ trên dưới 1.280 độ, Minh Long nung sản phẩm ở 1.380 độ. Mà từ mức nhiệt 1.280 độ lên tới 1.380, tuy chênh nhau có trăm độ thôi nhưng đòi hỏi năng lượng tốn gấp đôi, nên giá thành khá đắt.
"Cho nên đồ Minh Long sản xuất ra không tốt mới lạ. Đồ tốt mà giá rẻ mới lạ chứ giá đắt có gì lạ đâu", ông Minh chia sẻ.
Theo doanh nhân Lý Ngọc Minh, sản phẩm cao cấp đã tạo nên thương hiệu cho Minh Long. Khi bạn làm được hàng tốt rồi bán được hàng có giá trị cao, bạn sẽ mơ về những giấc mơ lớn hơn. Nên Minh Long mới dồn hết tiền vào máy móc, thiết bị, nguyên liệu và công nghệ để đạt được giấc mơ về sự hoàn hảo.
"Ngày xưa chúng tôi thường nghĩ rằng, cố gắng làm cho bằng được mơ ước của mình là sản xuất được sản phẩm chất lượng như của châu Âu (của Đức) để có thương hiệu. Đồng thời cũng để mọi người biết rằng, để có sản phẩm vượt sự mong đợi của khách hàng thì sản phẩm tốt có đắt mấy cũng sẽ có người mua", ông Minh cho biết.
Điều đó không sai vì trong cuộc sống, ta sẽ gặp người mơ những giấc mơ giống mình. Nhưng để bán rộng rãi cho mọi người thì phải là đồ công năng tốt và giá hợp lý.
"Cú mở đường máu"
Chiêm nghiệm về những khó khăn đã qua, ông Lý Ngọc Minh cho rằng: "Những biến động bất lợi thường không lập tức xuất hiện cho bạn thấy đâu".
Minh chứng cho điều này, ông kể, khoảng 15 năm trước, Minh Long phát triển rất mạnh thì giá gas cũng tăng rất nhanh. Thời điểm mới bước vào sản xuất chén dĩa, khoảng năm 1995 - 1996, thì giá gas chỉ 300 USD/tấn. Sau đó gas tăng lên 600 - 800 USD/tấn, mình vẫn sản xuất tốt. Nhưng khi nó leo thang lên mức 1.600 - 1.800 USD/tấn, điều này khiến Minh Long đứng trước một thách thức quá lớn như đứng trên bờ vực (2005 – 2010).
Lương công nhân thuở ban đầu chỉ khoảng 70 - 80 USD/người/tháng. Nhưng cho tới ngày giá gas đạt đỉnh thì chi phí phải trả cho một người lao động ở Minh Long đã lên tới hơn 200 USD/tháng. Và nó cứ tiếp tục tăng không ngừng.
Tác động kép trong dây chuyền sản xuất mới kinh khủng. Lương và giá năng lượng tăng kéo theo hàng loạt mức tăng khác của nguyên liệu, vận chuyển… Tất cả mọi yếu tố cấu tạo nên đầu vào của sản phẩm gốm sứ đều lên giá vù vù.
Đầu tư máy móc loại mắc tiền để sản xuất sứ cao cấp, lò xịn của Ried Hammer để đốt nhiệt độ cao, nguyên liệu tinh khiết... đều đã được nhập về nhà máy hết. Tiền vốn đầu tư hàng tháng Minh Long phải trả lãi rất nhiều. Áp lực vay mượn khủng khiếp. Mọi thứ dồn dập như vậy mà hàng của Minh Long lại ở mức giá không thể tăng được nữa. "Thời điểm đó, nếu duy trì sản xuất như cũ với công nghệ cao thì sẽ lỗ to", ông Minh nhớ lại.
Ông kể: "Hồi đó, chúng tôi biết mình chỉ có hai con đường. Một là một cuộc cách mạng gì đó, tìm ra đường sống cho công ty. Hai là quay trở lại sản xuất kiểu thủ công cổ xưa. Nhưng Minh Long không muốn điều đó xảy ra.
Cũng có nhiều góp ý cho rằng, muốn thoát khỏi tình trạng đó, Minh Long chỉ còn cách giảm giá thành sản xuất. Nghĩa là xuống nhiệt độ hoặc bớt nguyên liệu đắt tiền, mua loại nguyên liệu xấu, rẻ hơn để làm ra đồ rẻ tiền. Nhưng làm cách đó thì tôi không bao giờ cho phép.
Cuối cùng, tôi quyết định "mở đường máu" bằng cuộc cách mạng nung (đốt) 1 lần lửa (công nghệ đang sản xuất là nung 2 lần lửa)".
"Hơn nửa cuộc đời vất vả và hạnh phúc là để sản xuất sứ chất lượng cao, đốt 2 lần lửa như châu Âu. Chính châu Âu làm đồ gốm sứ tốt hơn nhiều nước châu Á là vì họ họ đốt 2 lần. Nếu giờ mình theo chất lượng châu Âu mà chỉ đốt 1 lần, nếu không đạt chất lượng như họ thì thành giảm chất lượng", ông Minh trăn trở
Con trai ông nói: "Ba! Chuyện này là chuyện sống còn. Không phải là chuyện mất tiền mà là mất cả thị trường!"
Phàm là người làm nghề gốm sứ ai cũng mơ chỉ cần đốt lò 1 lần mà ra được bình đẹp, ra được ấm hoàn hảo. Bởi đốt 1 lần sẽ giảm đi rất nhiều năng lượng và công sức. Từ Âu sang Á làm nghề sứ ai cũng muốn làm được điều này, nhưng chưa ai thành công.
"Nung 1 lần, lại nung ở nhiệt độ rất cao thì đồ lỗi rất nhiều. Bởi vì nhiệt độ cao giống như độ khó của kỳ thi, càng lên cao thí sinh rớt càng nhiều. Không phải ai cũng đủ năng lực để chiếm bảng vàng. Chất lượng sứ cũng vậy.
Nếu chỉ cần bỏ tiền gas gấp đôi để đạt được nhiệt độ 1.380 độ cho 1 lần đốt mà hàng ra chất lượng tuyệt hảo thì thế giới này người ta đã làm từ lâu rồi. Chính vì làm sứ chất lượng cao khó như vậy nên châu Âu mới phải đốt 2 lần.
Trong đó, nhiều hãng đã mất 8 – 10 năm trời mà cuối cùng cũng bỏ cuộc. Chỉ có Minh Long kiên trì đến nay hơn 15 năm mới tạm gọi thành công, nhưng còn phải tiếp tục hoàn thiện.", ông chủ Minh Long nói.
Từ 2007 cho đến 2015, Minh Long đã phải sáng tạo rất nhiều kỹ thuật, công nghệ. Trong đó giải pháp mang ý nghĩa quyết định đến thành công của đốt 1 lần là xử lý hệ thống lọc nước và không khí. Xử lí nguyên liệu đầu vào và cải tiến hệ thống nung đốt.
Nước - phải lọc theo tiêu chuẩn cao nhất để pha chế nguyên liệu luôn đạt hiệu quả trung tính và tinh khiết. Khí - phải đảm bảo trong vòng 3 phút có thể đưa một lượng lớn vừa sạch vừa có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 10 độ vào các xưởng khép kín, bảo đảm sự tinh khiết về môi trường cho các sản phẩm cần đốt một lần đạt hiệu quả cao, ít hư hỏng.
Bước cuối cùng là huấn luyện, đào tạo lại thợ gốm cho phù hợp với quy trình công nghệ mới.
Có những lúc kết quả thử nghiệm làm cho tất cả mọi người, từ cậu công nhân lựa hàng cho đến chính tôi kiệt sức, chán nản vô cùng khi nhiều mẻ hàng phải bỏ. Đánh đổi cho cuộc "thoát xác" đó là đến ngày hôm nay, trong kho công ty vẫn còn hàng trăm tỷ hàng hóa sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng phân loại của Minh Long.
Nhưng cuối cùng, trái ngọt cũng tới. Từ khi áp dụng công nghệ đốt 1 lần lửa vào sản xuất chén đĩa, năng suất đã tăng gấp đôi so với công nghệ cũ. Nghĩa là 1.500 nhân công trong một ngày trước đây làm ra 50.000 - 60.000 sản phẩm thì bây giờ đã tăng lên 100.000 - 120.000 sản phẩm mà số lượng người làm chỉ còn một nửa (700 – 800 người).
Cùng lúc đó, thời gian của chu kỳ sản xuất được rút xuống chỉ còn 3 ngày so với 15 ngày như trước. Nhờ vậy giá thành sản phẩm của Minh Long bây giờ được giảm xuống rất nhiều.
Nguyên tắc “Bốn không - Bốn có”
Nói về những giá trị cốt lõi của Minh Long 1, ông Lý Ngọc Minh cho rằng: “Điều tôi tâm huyết là tạo nên những sản phẩm gốm sứ vừa có kỹ thuật cao, vừa mang tính nghệ thuật, đủ sức cạnh tranh với những nền gốm sứ nổi tiếng thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức...”. Điều mà ông Minh trăn trở nhiều nhất là ngoài kỹ thuật cao ra, các sản phẩm gốm sứ của mình phải mang được chất tinh tú và phải toát lên được “hồn” Việt.
Do vậy, cũng không ngạc nhiên khi ông chọn slogan cho các sản phẩm của mình là: “Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”, hay “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”. Đây chính là nguồn cảm xúc bất tận trong ông. “Những chiếc lu mà tôi đã từng gánh nước đến chai cả vai, giúp tôi tạo ra những vật phẩm mang hồn Việt Nam, khiến cho ai xa quê cũng thấy nhớ nhà”, ông Minh bộc bạch.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng nếu chỉ dựa vào đam mê thì vẫn chưa đủ. Sở dĩ Minh Long 1 trở thành một thương hiệu nổi tiếng như ngày nay, theo ông, là còn nhờ vào việc kiên định thực hiện nguyên tắc “Bốn không - Bốn có”. “Bốn không” ở đây là: không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác. Không có biên giới bởi những sản phẩm đậm chất văn hoá Việt Nam, nhưng người nước ngoài vẫn đồng cảm, thích thú.
Trong từng sản phẩm mẫu mã hoa văn tinh xảo, sang trọng những vẫn gần gũi để phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi nên chúng không phân biệt tuổi tác, giới tính. Những điều đó sẽ giúp sản phẩm trường tồn cùng thời gian. “Bốn không” cũng chính là cơ sở cho “Bốn có”, đó là: có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách riêng, và quan trọng nhất là có hồn. “Sản phẩm có hồn, sẽ tự biết nói”, ông Ngọc Minh lý giải.
Có thể bạn quan tâm
Chuyện chưa kể về tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới
03:00, 20/09/2020
Tỷ phú tài trợ 270 triệu USD cho Việt Nam cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng là ai?
03:00, 18/09/2020
Ba bí quyết thành công của Giám đốc thương hiệu xả vải P&G toàn cầu Tôn Nữ Tường Vân
03:00, 17/09/2020
David Dương và chuyện thiết lập "đế chế rác" tại Mỹ
03:01, 16/09/2020
Hai đại diện của Việt Nam trong top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 là ai?
11:09, 15/09/2020