Cặp cửa khẩu thông minh Móng Cái - Đông Hưng đang dần được hiện thực hóa, mang theo kỳ vọng về một cuộc cách mạng trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Việc xây dựng cửa khẩu thông minh Móng Cái - Đông Hưng là nội dung trọng tâm trong Thỏa thuận khung hợp tác thí điểm giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), ký kết vào ngày 12/4/2025 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam.
Quy hoạch đồng bộ, xây dựng đồng bộ, vận hành đồng bộ
Hiện, 2 bên đang tập trung vào giai đoạn kết nối kỹ thuật, đồng bộ hóa quy trình để đưa vào vận hành thử nghiệm, hướng tới vận hành chính thức mô hình cửa khẩu thông minh song phương. Các tính năng dự kiến bao gồm kiểm soát an ninh thông minh, xử lý thủ tục điện tử và hệ thống giám sát giao thông tích hợp. Việc duy trì kết nối chặt chẽ, cập nhật thông tin và trao đổi kịp thời là yếu tố then chốt để đảm bảo "Quy hoạch đồng bộ, xây dựng đồng bộ, vận hành đồng bộ" – mục tiêu mà cả hai bên cùng hướng tới.
Phía TP Móng Cái (Việt Nam), Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Viettel đã hoàn thiện nhiều hạng mục hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Bắc Luân I, Bắc Luân II và đang thử nghiệm các ứng dụng công nghệ tiên tiến như kiểm soát tự động, hệ thống quét mã QR, nhận diện khuôn mặt. Các thủ tục hải quan cũng đang được số hóa mạnh mẽ, kết nối dữ liệu liên thông giữa các cơ quan quản lý để rút ngắn thời gian thông quan. Doanh nghiệp cũng đang tập trung triển khai Trung tâm Logistics tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh.
Đặc biệt, tại cửa khẩu Bắc Luân II, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương (Việt Nam) đã liên kết với Tập đoàn Kiểm nghiệm Trung Quốc – Công ty TNHH Quảng Tây, Chi nhánh Đông Hưng (Trung Quốc) để đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản.
Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương chia sẻ, việc có phòng thí nghiệm ngay tại cửa khẩu giúp doanh nghiệp chúng tôi giảm đáng kể thời gian và chi phí kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu. Điều này không chỉ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc mà còn nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về phía Đông Hưng (Trung Quốc), các hạng mục chính của dự án cửa khẩu thông minh đã cơ bản hoàn thành, bao gồm làn kiểm soát tự động cho người và phương tiện, hệ thống AI nhận diện biển số xe và khuôn mặt. Phía Trung Quốc cũng đang thử nghiệm mô hình "một cửa một điểm dừng" tại cửa khẩu Đông Hưng để tối ưu hóa quy trình.
Hai bên thống nhất thời gian triển khai xây dựng là 2 năm. Trong đó, hoàn thành, vận hành luồng vận chuyển hành khách hiện đại thông minh vào năm 2025. Nâng cấp, cải tạo hoàn thành xây dựng luồng vận chuyển hàng hóa bằng xe vận tải chuyên dụng tự động không người lái qua biên giới vào năm 2026.
Đột phá công nghệ
Việc triển khai cửa khẩu thông minh Móng Cái được định hình theo mô hình tiên tiến, kết hợp giữa cơ sở hạ tầng hiện đại và nền tảng công nghệ số. Hai bên đã thống nhất phối hợp đồng bộ trong quy hoạch, xây dựng và vận hành với hai luồng riêng biệt: Luồng khách du lịch tại khu vực cầu Bắc Luân I và luồng vận tải hàng hóa tại cầu Bắc Luân II.
Đối với luồng hàng hóa, Việt Nam và Trung Quốc sẽ cùng xây dựng tuyến vận chuyển xuất nhập khẩu độc lập, khép kín, sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Cụ thể, sẽ có sự xuất hiện của phương tiện vận chuyển không người lái, hệ thống cẩu container tự động, tất cả được điều khiển thông qua trung tâm chỉ huy dựa trên định vị vệ tinh và mạng 5G. Hai bên đang nghiên cứu triển khai mô hình vận chuyển thông minh với xe tự hành AGV, đảm bảo thông quan 24/7. Điều này đồng nghĩa với quá trình vận hành diễn ra không tiếp xúc, không gián đoạn, mang lại hiệu quả vượt trội.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập cảnh của công dân và du khách tại cầu Bắc Luân I sẽ được đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, với hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh được nâng cấp theo hướng tự động hóa hoàn toàn. Cửa khẩu sẽ ứng dụng các công nghệ kiểm soát sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), máy soi chiếu tự động, hệ thống AI nhận diện và chia sẻ dữ liệu liên ngành. Những đổi mới này giúp rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục, tăng tính minh bạch, hạn chế tiếp xúc – đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh, đồng thời nâng cao năng lực kiểm soát an ninh biên giới.
Dự án cửa khẩu thông minh không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa công tác quản lý biên giới mà còn là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy thương mại, du lịch và hợp tác hữu nghị Việt - Trung.
Theo ông Hồ Quang Huy - Chủ tịch UBND TP Móng Cái, xây dựng cửa khẩu thông minh phù hợp với xu hướng chuyển đổi số quốc gia. Đây là một phần trong lộ trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Góp phần cải cách thủ tục hành chính và xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước giúp các cơ quan như hải quan, biên phòng, kiểm dịch… phối hợp hiệu quả hơn thông qua hệ thống dữ liệu liên thông. Giảm thiểu thủ tục giấy tờ, nâng cao tính minh bạch và chính xác trong xử lý thông tin. Thúc đẩy thương mại và logistics, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển và tồn kho. Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nền kinh tế địa phương.
"Việc xây dựng cửa khẩu thông minh Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) không chỉ nhằm nâng cao hiệu suất thông quan, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia" – ông Huy chia sẻ.
Việt Nam và Trung Quốc hiện có 26 cửa khẩu trên bộ, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế. Việc nâng cấp các cửa khẩu này thành cửa khẩu thông minh không chỉ đơn thuần là cải tiến công nghệ, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại.