Úc là một thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng và mang lại những lợi thế nhất định đối với mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam.
Còn nhớ hồi tháng 9/2019, lần đầu tiên trái nhãn Việt Nam đã có mặt trên thị trường Úc. Đây là loại quả thứ tư, sau các loại vải, xoài và thanh long được Úc mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Úc là một trong những quốc gia trên thế giới có các quy định rất khắt khe về kiểm dịch chất lượng sản phẩm. Nước này đã xây dựng khuôn khổ chính sách về an toàn sinh học nhằm bảo vệ nền nông nghiệp trước những rủi ro do côn trùng có hại xâm nhập và phát tán.
Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Úc, đặc biệt là hàng nông lâm thủy sản phải đáp ứng được các yêu cầu về sinh học và an toàn thực phẩm. Nếu thực phẩm có nguy cơ ở mức độ trung bình đến mức độ cao thì sẽ được phân loại là “thực phẩm hiểm họa”. Đối với “thực phẩm hiểm họa”, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo hàng cần xét nghiệm và bị giữ cho đến khi biết được kết quả xét nghiệm.
Các thực phẩm khác được xem là có nguy cơ thấp được phân loại “thực phẩm diện giám sát”. Theo thống kê sơ bộ, các lô hàng này sẽ có xác suất khoảng 5% bị kiểm tra việc có đạt yêu cầu về các tiêu chuẩn thực phẩm của Úc hay không.
Những yêu cầu khắt khe trên đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi nhiều mặt hàng nông sản Việt hiện đang sản xuất manh mún, tự phát dẫn đến chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát an toàn thực phẩm và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…
Theo các chuyên gia, muốn giải quyết được các vấn đề trên, các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối, sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu gắn liền với chất lượng. Trong đó, tập trung cải thiện về đóng gói, mẫu mã, bao bì, đồng thời cần có một quy trình sản xuất chuẩn có thể truy xuất thông tin.
Ngoài ra, Doanh nhân Hoàng Luật, chủ chuỗi siêu thị hàng thực phẩm Châu Á MCQ tại bang Tây Australia, cho biết cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của Australia làm việc rất kỹ lưỡng.
Sau khi các lô hàng trái cây cập bến, họ thường lựa chọn ngẫu nhiên một số thùng và đem đi kiểm tra vi khuẩn.
Tại công đoạn này, toàn bộ số quả trong thùng sẽ bị soi dưới kính hiển vi để tìm xem có côn trùng hay trứng côn trùng nào bám trên vỏ hay không. Nếu chỉ một quả bất kỳ bị phát hiện ra có vi khuẩn, toàn bộ lô hàng đó sẽ bị tiêu hủy.