Cho dù hàng loạt các hãng xe đã trì hoãn kế hoạch phát triển xe điện thì tương lai của ngành công nghiệp ô tô vẫn là điện khí hóa. Chỉ 5 năm nữa xe xăng khó cản nổi bước tiến của xe điện.
Hãng xe Volvo vừa tuyên bố từ bỏ mục tiêu chỉ sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030. Điều kiện thị trường là lý do chính khiến Volvo quyết định từ bỏ mục tiêu đã công bố cách đây ba năm. Môi trường kinh doanh xe điện đã thay đổi, do việc triển khai cơ sở hạ tầng sạc chậm, cùng với việc cắt giảm các ưu đãi cho người tiêu dùng từ những thị trường lớn. Tất cả đã khiến nhu cầu tiêu thụ của dòng xe này ngày càng suy giảm.
Toyota, nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới của Nhật Bản cũng vừa tuyên bố sẽ cắt giảm một phần ba sản lượng xe điện trong năm 2026. Toyota dự kiến sản xuất 1 triệu xe điện trong năm 2026, nhưng với tuyên bố trên, sản lượng sẽ chỉ còn dưới 700.000 xe. Lý do cũng do thị trường xe điện toàn cầu chững lại.
Trước đó, một loạt tập đoàn ô tô lớn hàng đầu thế giới như General Motors, Ford. Mercedes-Benz… cũng đã từ bỏ những kế hoạch lớn về sản xuất xe điện do thị trường đi xuống. Cụ thể, vào cuối năm 2023 Ford đã quyết định dừng đầu tư vào ô tô điện, nhằm giảm thiểu tổn thất tài chính. Ford đã lỗ nặng với khoảng 4 tỷ USD đầu tư cho xe điện trong năm 2023 mà không tu lại được gì. Với quyết định này, các khoản đầu tư liên quan đến xe điện trị giá khoảng 12 tỷ USD của Ford đã bị trì hoãn.
Cuối năm 2023 General Motors (GM), cũng đã cắt giảm mục tiêu sản xuất xe điện. GM đã hoãn lại kế hoạch trị giá 4 tỷ USD, để chuyển đổi một nhà máy hiện có, thành nhà máy sản xuất xe bán tải điện và từ bỏ mục tiêu tự đề ra là sản xuất 400.000 xe điện đến hết nửa đầu năm 2024.
Tuy vậy, các hãng xe vẫn tin rằng tương lai của ngành công nghiệp ô tô là điện khí hóa. Volvo dù lùi lại nhưng vẫn đặt mục tiêu trở thành hãng xe thuần điện, với mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040. Toyota vẫn đặt mục tiêu đạt sản lượng 3,5 triệu xe điện vào 2030. Còn Ford khẳng định vẫn tiếp tục phát triển xe điện nhưng với tốc độ chậm hơn…
Rob Enderle chuyên gia về pin và công nghệ ô tô người Mỹ, từng là cố vấn cho nhiều tập đoàn công nghệ như Microsoft, Dell, IBM, Intel, Lenovo, HP... lại nhận định rằng, cục diện giữa xe xăng và xe điện sẽ thay đổi vào năm 2029.
Theo Rob Enderle xe điện đang có những bước tiến đáng kể. Chúng có thể vượt trội hơn xe chạy xăng về khả năng tăng tốc, chi phí sử dụng và ít phải bảo dưỡng.
Tuy nhiên, phạm vi hoạt động chính là điểm yếu của xe điện. Hiện tại phạm vi hoạt động trung bình của xe điện chỉ vào khoảng 320 km, sau mỗi lần sạc đầy pin. Nếu 1 chiếc xe đi trung bình 1.900 km/tháng, chủ xe cần sạc khoảng 6 lần. Nhưng nỗi lo không đầy pin, khiến nhiều người sạc xe hằng ngày. Khi đi xa, khoảng cách di chuyển trung bình là 460 km. Do đó, người dùng cần một chiếc ô tô có phạm vi hoạt động 1.000 km để vừa đi vừa về mà không cần lo lắng sạc. Nếu một chiếc xe điện có thể đi 1.500 km sau mỗi lần sạc đầy pin thì người sử dụng sẽ chẳng phải lo lắng gì về phạm vi hoạt động, kể cả có quên sạc pin.
Hiện tại các hãng xe đang lao vào phát triển pin tầm xa. Đã có một số hãng công bố đã nghiên cứu thành công pin dùng cho ô tô điện sạc 10 phút đi được gần 1.000 km. Hiện tại cũng đã có vài mẫu xe điện có thể di chuyển tới 1.600 km sau một lần sạc đầy pin. Tuy nhiên, để đạt được phạm vi hoạt động này vẫn phải hy sinh một số thứ.
Theo Enderle, chỉ cần khoảng 5 năm nữa, tức là đến năm 2029, người ta có thể ứng dụng loại pin này trên xe bán ra thị trường dân sinh. Đến lúc đó, xe xăng sẽ trở nên lỗi thời.