Sau khi cơ quan hải quan áp dụng một số biện pháp mà doanh nghiệp vẫn chây ỳ không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan nhà nước, hải quan có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
>>Hải quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Đó là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm tại Hội nghị đối thoại hải quan - doanh nghiệp do Cục Hải quan TP.HCM tổ chức, ngày 26/6/2024.
Hoãn xuất cảnh doanh nghiệp nợ thuế
Đáng chú ý, giải thích các vấn đề liên quan tới việc doanh nghiệp nợ thuế, Cục hải quan TP.HCM, cho biết sau khi cơ quan hải quan áp 1/7 biện pháp thu thuế không thành, sẽ ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân đại diện pháp luật của doanh nghiệp, không phân biệt người trong hay ngoài nước.
Theo ông Trương Thanh Xuân - Phó phòng thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan TP.HCM, vấn đề cưỡng chế nợ thuế và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh liên quan nợ thuế quá hạn đang "nóng" trong thời gian gần đây. Theo quy định, nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp, doanh nghiệp, cá nhân nợ đó sẽ bị cưỡng chế thuế. Tại Điều 125 Luật Quản lý thuế quy định 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cụ thể: Một là, trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác hoặc phong tỏa tài khoản. Hai là, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập. Ba là, dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Bốn là, ngừng sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Tuy vậy, biện pháp này sẽ khiến doanh nghiệp sau khi trả hết nợ thuế, làm các thủ tục mở lại quyền sử dụng hóa đơn cũng khá phức tạp. Năm là, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên. Sáu là, thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ. Bảy là, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
"Sau khi cơ quan hải quan áp dụng 1 trong 7 biện pháp trên mà doanh nghiệp vẫn chây ỳ không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan nhà nước, hải quan có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, dựa trên quy định tại Luật Quản lý thuế số 38, Luật số 49/2019/QH14 và Luật số 47/2014/QH13; Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 79/2020/TT-BCA của Bộ Công an ban hành", ông Xuân nói.
Cũng theo ông Xuân, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không quy định số tiền nợ thuế bao nhiêu mới bị tạm hoãn. Doanh nghiệp nợ 10 tỉ đồng tiền thuế cũng như doanh nghiệp nợ vài triệu đồng. Tuy vậy, Hải quan TP.HCM quan điểm là cố gắng lựa chọn doanh nghiệp có nợ đọng thuế với số tiền lớn, hoặc nợ kéo dài nhiều năm… để gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Liên quan tới một số vướng mặc mà doanh nghiệp nêu trong quá trình làm thủ tục, ông Vương Tuấn Nam - Trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan TP.HCM), cho biết: trước khi hội nghị đối thoại diễn ra, Hải quan thành phố đã nhận được rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục và chính sách gặp nhiều vướng mắc, thường Cục Hải quan sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Song, theo ông Nam, để có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị khi doanh nghiệp có văn bản hỏi thì nên để lại thông tin để phía hải quan tiện liên lạc, có hướng trả lời, tháo gỡ.
"Cơ quan Hải quan thiếu thông tin thì sẽ dẫn tới thời gian xử lý kéo dài. Chưa kể, cơ quan sẽ đưa ra những câu trả lời không phù hợp với thực tế", ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, trong quá trình giải quyết thủ tục tại các chi cục, nếu không đạt được sự đồng thuận thì doanh nghiệp có thể liên hệ với cán bộ ở đội, các chi cục, hoặc đặt lịch làm việc với lãnh đạo chi cục phụ trách… để có hướng tháo gỡ. Trường hợp vẫn chưa thấy thỏa đáng, doanh nghiệp có thể gửi văn bản, hoặc trực tiếp lên gặp phòng tham mưu chức năng tại trụ sở chính của Cục Hải quan TP.HCM, để Cục có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải chủ động để bảo vệ quyền lợi của mình.
>>Hải quan: Khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Cục Trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều biến động phức tạp, đặc biệt là những thách thức sau đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị leo thang. Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu, gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí vận chuyển.
“Việt Nam, với nền kinh tế mở, cũng chịu ảnh hưởng lớn, nhưng đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga…Đặc biệt, TP.HCM với vai trò là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, tiếp tục đóng vai trò then chốt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, trong các năm qua,TP.HCM đã đóng góp tới 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước. Từ đầu năm tới nay, hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thông quan hàng hóa với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 46,84 tỷ USD (chiếm 15,33% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước), tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế số thu ngân sách từ đầu năm đến nay đạt 56.900 tỷ đồng, bằng 43,5% chỉ tiêu pháp lệnh được giao (130.800 tỷ đồng).
Với thế trên, ông Tuấn cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, với môi trường kinh doanh năng động và chính sách mở cửa. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển lợi thế này, các cơ quan quản lý cần phải không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, Hải quan TP.HCM sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.
"Cục Hải quan TP.HCM luôn ý thức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có ý nghĩa sống còn và hết sức quan trọng để quyết định cho sự tăng trưởng bền vững và cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế", ông Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
18:54, 23/06/2024
14:31, 20/06/2024
11:40, 20/06/2024
16:35, 17/06/2024
12:56, 09/06/2024