Cục Hàng không đề xuất nới giá trần vé máy bay

LINH NGA 12/04/2022 14:30

Các hãng hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng cao trong thời gian qua và kiến nghị cần được nới trần khung giá vé bay.

>>MỞ CỬA DU LỊCH: Khách quốc tế qua cảng hàng không tăng 176%

gf

Các hãng hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng cao trong thời gian qua.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến. Thậm chí, cuối tháng 3/2022 khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.

Cục Hàng không cho biết, giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4/2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015.

Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết, chi phí của hãng sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng nếu giá nhiên liệu bay là 130 USD/thùng. Nếu lên tới 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm tới hơn 9.100 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến năm 2022 của hãng.

Chi phí của hãng hàng không Vietjet cũng sẽ phải tăng thêm tới 5.200 tỷ đồng nếu nhiên liệu Jet A1 duy trì ở mức 130 USD/thùng. Con số tương ứng với Vietravel Airlines là 310 tỷ đồng.

Với Bamboo Airways cho biết, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí nhiên liệu ước tính của Bamboo Airways sẽ tăng thêm khoảng 3.200 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng lên đến 4.600 tỷ đồng nếu nhiên liệu lên đến mức 150 USD/thùng.

Đánh giá mặc dù biến động chi phí Jet A1 hiện nay tác động làm tăng hơn 30% tổng chi phí của các hãng hàng không, song trong giai đoạn Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Cụ thể, đường bay 500-850km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (2,27%); 850-1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (3,58%); 1.000-1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (6,25%); từ 1.280km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (6,67%).

>>Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ "kiểm soát vĩ mô ngành hàng không"

g

Kế hoạch phục hồi thị trường Việt Nam được dự báo nhanh hơn mức trung bình thế giới khi lượng khách nội địa dự báo về mức trước đại dịch ngay trong năm 2022.

“Qua một thời gian áp dụng, đặc biệt, trong bối cảnh các hãng hàng không liên tục chịu sức ép chi phí khi biến động giá Jet A1 tăng cao ngay sau khi chưa kịp phục hồi do dịch Covid-19, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội cần được xem xét, điều chỉnh tăng cho phù hợp,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay; nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho rằng, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt đồng thời bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng. 

Bên cạnh đó, khi được điều chỉnh giá trần, hãng hàng không sẽ có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng cũng như đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tổng số khách du lịch thế giới sẽ đạt 4 tỷ vào năm 2024, vượt mức trước đại dịch Covid-19. Theo đó, từ lượng hành khách chỉ đạt 47% của năm 2019 vào năm 2021 sẽ cải thiện lên 83% vào năm 2022, 94% vào năm 2023, 103% vào năm 2024 và 111% vào năm 2025.

Lạc quan hơn, kế hoạch phục hồi thị trường Việt Nam được dự báo nhanh hơn mức trung bình thế giới khi lượng khách nội địa dự báo về mức trước đại dịch ngay trong năm 2022, bằng 111,2% so với mức 2019; lượng khách quốc tế phục hồi chậm hơn, về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 109,2% so với 2019).

Những tín hiệu khởi sắc đến từ quyết định của Chính phủ khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2 để phục hồi giao thương và mở cửa du lịch từ ngày 15/3, với các điều kiện được nới lỏng tối đa, đóng góp vào mức tăng 6,9% so với cùng kỳ, nâng số chuyến bay khai thác từ ngày 19/2-18/3 lên 18.223 chuyến.

Có thể bạn quan tâm

  • Gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không

    Gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không

    11:00, 05/04/2022

  • Xung đột Nga-Ukraine: Hàng không Việt gặp

    Xung đột Nga-Ukraine: Hàng không Việt gặp "khó chồng khó"

    04:00, 28/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Khách quốc tế qua cảng hàng không tăng 176%

    MỞ CỬA DU LỊCH: Khách quốc tế qua cảng hàng không tăng 176%

    03:00, 27/03/2022

  • Mở cửa quốc tế, hàng không

    Mở cửa quốc tế, hàng không "tăng tốc"

    04:00, 18/03/2022

  • Gỡ nút thắt, hàng không sẵn sàng

    Gỡ nút thắt, hàng không sẵn sàng "bứt phá"

    10:53, 16/03/2022

  • MỞ CỬA DU LỊCH: Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không kiến nghị về mở cửa du lịch

    MỞ CỬA DU LỊCH: Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không kiến nghị về mở cửa du lịch

    00:00, 13/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cục Hàng không đề xuất nới giá trần vé máy bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO