Cuộc chạy đua với thời gian trên thị trường giao nhận

Nha Trang 18/10/2018 03:45

Với sự phát triển của công nghệ, thị trường giao nhận, phân khúc giao nhận hàng hóa, thức ăn tại Việt Nam hiện đang chứng kiến cuộc đua ngày càng gay cấn về tốc độ và chất lượng dịch vụ.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, giao nhận vận tải Việt Nam tăng 6,2% vào năm 2017 và kỳ vọng đạt doanh thu 1,4 tỷ USD vào năm 2019, tạo đà cho các "ông lớn" logistics mở cuộc đua đầu tư vào thị trường trọng điểm này. 

"Trăm hoa đua nở"

Theo các chuyên gia dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng 30 - 40%/năm. 

Đồng thời, sự phát triển của công nghệ, thị trường giao nhận, đặc biệt ở phân khúc giao nhận hàng hóa, thức ăn hiện không còn là độc tôn của VNPost, Viettel Post, Kerry, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm... mà có sự tham gia của các công ty công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư.

Công nghệ mang lại nhiều lợi thế cho giao nhận thương mại điện tử.

Công nghệ mang lại nhiều lợi thế cho giao nhận thương mại điện tử.

Ở phân khúc giao nhận hàng hóa, mới đây, Lazada E-Logistics công bố sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD trong năm tới để cung cấp các dịch vụ giao nhận không chỉ cho công ty mẹ mà còn cho nhiều công ty khác. Đặc biệt "ông lớn" trong logistics là DHL ra mắt Công ty DHL eCommerce Việt Nam với cam kết giao hàng chỉ 1 - 2 ngày, kèm theo dịch vụ thu tiền hộ.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, DHL eCommerce Việt Nam bắt tay với Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ - chủ quản sàn thương mại điện tử Sendo.vn (với hơn 300.000 shop kinh doanh) thực hiện dịch vụ giao hàng ngay trong ngày hoặc hôm sau cùng nhiều chương trình hỗ trợ như thu tiền hộ, chuyển tiền cho người bán ngay ngày hôm sau.

Trả lời báo chí, ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Sen Đỏ cho rằng: "Điểm hơn nhau của các dịch vụ giao nhận nằm ở tốc độ giao hàng nên các doanh nghiệp phải biết hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau".

Trong lĩnh vực giao nhận thức ăn, theo báo cáo của Euromonitor, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đặt món trực tuyến là 11% mỗi năm, hiện có giá trị khoảng 33 triệu USD và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. 

Không bỏ lỡ mảnh đất màu mỡ này, mới đây, Now.vn, tiền thân của Foody.vn vừa được Sea (Singapore) mua lại với giá hơn 60 triệu USD để giao nhận thức ăn, vốn được xem có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn và còn nhiều dư địa phát triển.

Một cái tên khác đó là Zalo (VNG) cũng bắt đầu bước chân vào dịch vụ giao nhận thức ăn Zalo Food thông qua ứng dụng thử nghiệm cho khách hàng sử dụng Zalo, Lalamove - dịch vụ giao hàng nhanh đang chiếm hơn 60% đơn hàng giao nhận đồ ăn bằng xe máy.

Grab cũng nhanh chóng mở rộng dịch vụ sang GrabFood. Tại TP.HCM, đến tháng 9/2018, số đơn hàng GrabFood đã tăng gấp 2,3 lần so với tháng trước đó và tại Hà Nội, đối tác GrabFood đã tăng gấp 8 lần sau gần một tháng. Thành công của Grab đã tạo cú hích cho các hãng gọi xe công nghệ Aber, Go-Viet nhắm đến việc mở rộng dịch vụ giao thức ăn, hàng hóa.

Trong lĩnh vực giao nhận hàng trong ngày vẫn còn nhiều khoảng trống. Tham gia vào cuộc đua tốc độ này, mới đây Ship60 - một startup mới nổi "chớp" ngay cơ hội và tuyên bố chỉ trong vòng 2 giờ, món hàng sẽ được chuyển đến người mua.

Chạy đua với Ship 60, Grab đang chuẩn bị tung ra dịch vụ giao hàng tạp hóa GrabFresh. Đại diện của Grab cho biết, thời gian giao một đơn hàng GrabFood tại TP.HCM và Hà Nội trung bình 25 phút và Grab Fresh chắc chắn cũng không lâu hơn.

Trong khi đó, Lalamove chỉ cần 10 giây để xác định tài xế phù hợp và chỉ mất 5 phút để sắp xếp chuyến giao hàng. Tại TP.HCM, thời gian giao hàng của doanh nghiệp này trung bình dưới 40 phút cho các đơn hàng có khoảng cách dưới 5km và dưới 1 giờ cho đơn hàng dưới 8km.

Cuộc chạy đua với thời gian

Sau giá cả, thời gian giao hàng cũng là yếu tố quyết định để người dùng chọn lựa sản phẩm của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Theo khảo sát của KPMG năm 2017 với hơn 18.000 người tiêu dùng tại 51 nước (trong đó có Việt Nam), 34% số người nói rằng thà đi mua trực tiếp còn hơn đặt hàng online vì sợ thời gian giao hàng quá chậm. Bên cạnh đó, nếu là thực phẩm tươi sống, thời gian giao hàng là yếu tố "sống còn" với doanh nghiệp làm thương mại điện tử

Theo ông Phùng Khắc Huy, CEO của Ship60, ngành logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa thể được đánh giá là chuyên nghiệp. "Nguyên nhân là các hãng vận chuyển lớn đang sử dụng mô hình truyền thống ảnh hưởng đến thời gian vận hành. Đặc biệt, còn thiếu việc ứng dụng các nền tảng công nghệ - vốn là nền móng mà các hãng vận chuyển hàng đầu thế giới ứng dụng để tối ưu toàn bộ quy trình vận hành", ông phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc đua khốc liệt vào thị trường giao nhận đồ ăn: Mèo nào cắn mỉu nào?

    Cuộc đua khốc liệt vào thị trường giao nhận đồ ăn: Mèo nào cắn mỉu nào?

    02:20, 09/10/2018

  • Thương mại điện tử: Kích thích cuộc chiến... giao nhận

    Thương mại điện tử: Kích thích cuộc chiến... giao nhận

    07:28, 26/08/2017

  • Cty CP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân cảng: 3 TRỤ CỘT + 3 NỀN TẢNG = THÀNH CÔNG

    Cty CP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân cảng: 3 TRỤ CỘT + 3 NỀN TẢNG = THÀNH CÔNG

    06:47, 02/09/2015

Lợi thế cạnh tranh của một công ty giao nhận ngoài hệ sinh thái thương mại điện tử còn là dịch vụ thông qua nhân viên giao hàng. Nói như ông Charles Brewer - CEO của DHL eCommerce, cái khó nhất của thị trường giao nhận thương mại điện tử không chỉ nhanh mà còn phải kiểm soát được dịch vụ. Yếu tố này lệ thuộc vào đội ngũ nhân viên. Vì vậy, một trong những chiến lược của DHL eCommerce là tập trung đào tạo đội ngũ giao nhận chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân viên xuất sắc, dịch vụ khác biệt.

Bên cạnh đó, hiện nay, bên cạnh cuộc đua về tốc độ, để chiếm ưu thế, các doanh nghiệp còn chạy đua về dịch vụ mà điển hình là dịch vụ giao hàng thu hộ tiền, hoàn tiền nhanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào dịch vụ giao hàng thu hộ tiền thì các doanh nghiệp giao nhận vẫn chưa chứng tỏ lợi thế khác biệt cũng như thế mạnh cạnh tranh. Vấn đề là làm thế nào để cùng lúc giải được nhiều bài toán trong hệ sinh thái thương mại điện tử như kho bãi, hậu cần, bán hàng, bảo hành mới là hướng đi lâu dài mà các doanh nghiệp cần làm.

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn - Giám đốc điều hành Tiki.vn, cái khó của TMĐT là công nghệ, kho bãi, nhân sự có kinh nghiệm. Vì vậy, chỉ có các công ty nào làm tốt các "mảng ghép" này mới đủ sức tăng trưởng.

Còn ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Express Vietnam cho rằng: "Trong giao nhận, phần thắng sẽ thuộc về những doanh nghiệp đầu tư chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh". Trong đó, đầu tư về con người, hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng quyết định sự cạnh tranh. "Hậu cần cho thương mại điện tử là lĩnh vực mới nên đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo", ông Thịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc chạy đua với thời gian trên thị trường giao nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO