Bức tranh nợ xấu của các ngân hàng quý 1 cho thấy, cuộc chiến chống nợ xấu vẫn còn nhiều cam go, nhất là khi không ít ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao trong năm nay.
Nợ xấu tăng so với cuối 2018
NHNN Việt Nam cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907.300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống xử lý được 163.1400 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,02%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 3/2019 ở mức 5,88%. Mặc dù vậy, con số này vẫn giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.
Cũng theo NHNN, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227.860 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117.800 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ năm 2013 đến tháng 3 năm 2019, VAMC mua nợ xấu đạt 338.849 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ là 307.567 tỷ đồng. Về mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến 3/2019, VAMC đã mua được 46 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 5.882 tỷ đồng và giá mua bán nợ đạt 5.960 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
13:25, 01/04/2019
16:39, 26/03/2019
10:20, 24/01/2019
16:37, 13/01/2019
13:05, 09/01/2019
Đặc biệt từ 2013 đến 3/2019, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ ước đạt 120.511,6 tỷ đồng.
Còn nhớ trong một báo cáo gửi tới phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội diễn ra ngày 25/4 vừa qua tại Nha Trang, NHNN Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 2/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD là 2,09%. Như vậy, tính riêng trong tháng 3 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đã giảm được 0,07 điểm phần trăm.
Thế nhưng nếu so với con số nợ xấu 1,89% vào cuối năm 2018 mà NHNN công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra hồi đầu năm thì nợ xấu của hệ thống các TCTD lại tăng 0,13 điểm phần trăm.
Bức tranh nợ xấu thực tế ra sao?
Báo cáo tài chính quý 1 của 17/31 ngân hàng cổ phần (số còn lại hoặc chưa công bố, hoặc chỉ công bố báo cáo vắn tắt nên không rõ số liệu nợ xấu) cho thấy, nợ xấu nội bảng của hầu hết các nhà băng vẫn tiếp tục tăng về giá trị tuyệt đối. Theo đó, tính đến hết quý 1/2019, số dư tuyệt đối nợ xấu nội bảng của 17 ngân hàng khảo sát là 78.920 tỷ đồng, tăng thêm 4.284 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu bình quân của 17 nhà băng này cũng tăng nhẹ từ 1,7% lên 1,73%.
Trong đó, có khá nhiều cái tên ghi nhận nợ xấu tăng cả về giá trị tương đối lẫn tuyệt đối. Điển hình trong số này phải kể tới VietinBank. Tại thời điểm cuối quý 1, nợ xấu của nhà băng này là 15.962 tỷ đồng, tăng 2.271 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã tăng lên 1,85% từ mức 1,62%.
Ngay cả Vietcombank – một trong những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống vào cuối năm 2018 - cũng ghi nhận nợ xấu tăng 729 tỷ đồng trong quý 1 lên 6.952 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,98% lên 1,03%. VPBank cũng vậy, nợ xấu cũng tăng 610 tỷ đồng lên 8.376 tỷ đồng trong quý đầu năm; tỷ lệ nợ xấu vì thế tăng từ 3,5% lên 3,62%...
Tuy nhiên cũng có khá nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm cả về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối. Chẳng hạn như BIDV đã giảm được 926 tỷ đồng nợ xấu trong 3 tháng đầu năm xuống còn 17.876 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế đã giảm 0,15 điểm phần trăm về còn 1,75%. Thế nhưng hiện BIDV vẫn là một trong những ngân hàng dẫn đầu hệ thống về số dư tuyệt đối nợ xấu. Ngoài ra, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã tăng lên 42.689 tỷ đồng, tức tăng thêm tới 1.825 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 42,6% trong tổng số 4.284 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm.
Một điều rất đáng chú ý nữa là nợ xấu của riêng 3 ông lớn NHTM có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV đã lên tới 40.791 tỷ đồng, chiếm tới 51,7% tổng nợ xấu của 19 ngân hàng khảo sát; nợ có khả năng mất vốn là 22.654 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53%.
Một chuyên gia cho rằng, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh cần phải được các nhà băng hết sức chú trọng bên cạnh công tác xử lý nợ xấu cũ. Chỉ có như vậy thì mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn xuống dưới 5% vào cuối năm nay mới có thể hoàn thành.