Cuộc đua "lên đời" thành phố (KỲ III): Bài học từ Hàn Quốc, Nhật Bản

Diendandoanhnghiep.vn Mô hình "thành phố trong thành phố" đã thể hiện tính khả thi, phát triển một cách đồng bộ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, các cơ chế về chính sách đặc thù là chìa khóa làm nên thành công đó.

Hàn Quốc đã thành công biến Gangnam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu nhờ mô hình City in City

Tại Hàn Quốc, những năm 1970, thủ đô Seoul đối diện với sự gia tăng dân số nhanh chóng bởi làn sóng công nghiệp hóa, trong đó có tới hơn 70% dân số tập trung ở phía Bắc sông Hàn. Để giãn dân, chính quyền Seoul đã đưa ra các ưu đãi để khuyến khích sự phát triển của khu vực phía Nam, trong đó lấy Gangnam làm trung tâm.

Đầu tư tổng thể về hạ tầng giao thông như cầu kết nối Gangnam với khu phía Bắc Seoul, các tuyến cao tốc kết nối với Busan, các chính sách xúc tiến phát triển kinh tế như các khoản khấu trừ thuế được áp dụng cho các nhà phát triển và chủ sở hữu đất. Đồng thời di dời trụ sở chính quyền như Hội đồng thành phố, các trường trung học công lập nổi tiếng và tòa án tới quận mới này.

Sau ngần ấy năm phát triển, từ cánh đồng bắp cải, Gangnam đã chuyển mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu Seoul, với những cửa hàng xa xỉ, trường học danh tiếng hay kinh đô của các tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới.

Hay tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo của quốc gia này cũng được quản lý như một tỉnh đô thị, trong đó có tới 23 đặc khu được quản lý như các thành phố riêng lẻ. Các khu này cũng dùng từ “city”, có nghĩa là thành phố, trong tên tiếng Anh chính thức của mình, ví dụ như Chiyoda City.

Chiyoda City - Tokyo, Nhật Bản.

Theo thống kê năm 2016, dân số của các đặc khu này là hơn 9 triệu người trên tổng dân số hơn 13 triệu người ở Tokyo. Điểm khác biệt ở khu vực này là hệ thống hành chính đặc biệt được thiết lập giữa chính quyền đô thị và 23 đặc khu, giúp cân bằng nhu cầu quản lý thống nhất phạm vi khu vực với nhu cầu về chính quyền địa phương của đặc khu trong việc giải quyết những vấn đề hằng ngày tại địa phương.

Trong đó, chính quyền đô thị Tokyo chịu trách nhiệm quản lý công việc hành chính trên diện rộng, quản lý cấp thoát nước và phòng cháy chữa cháy, còn địa phương có quyền tự chủ để giải quyết các vấn đề dân sinh như phúc lợi, giáo dục và nhà ở.

Trong quá trình cải cách để có được mức độ tự chủ như hiện nay, một hội đồng đô thị - đặc khu đã được thành lập, liên tục tổ chức các cuộc thảo luận về các vấn đề trong công tác quản lý.

Về mặt tài chính, chính quyền đô thị Tokyo cũng có sự điều chỉnh giữa đô thị và các đặc khu, cũng như giữa các đặc khu với nhau. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản cố định và thuế sở hữu đất đai đặc biệt được chính quyền đô thị thu, và một phần trong số đó sẽ được cấp lại cho chính quyền đặc khu theo một tỉ lệ nhất định.

Việc điều chỉnh tài chính giữa 23 đặc khu cũng được thực hiện để cân bằng trong thu nhập tài chính do các đặc khu do có sự phân bố không đều các nguồn tài chính. Chính những cơ chế trên đã giúp Tokyo trở thành một trong những thành phố giàu có bậc nhất thế giới.

Trên thế giới các đại đô thị (mega city) thuộc tỉnh rất nhiều, trong đó có thể đến như Vũ Hán có diện tích 8.000km2, dân số 11 triệu người thuộc tỉnh Hồ Bắc. Mô hình khác phổ biến hơn là Vùng đô thị (Urban Region). Hiểu nôm na là vùng rộng lớn chứa nhiều TP có thể đồng cấp (về diện tích, dân số và cấp quản lý), hay đa cấp theo thứ bậc (thứ bậc quản lý từ cao xuống thấp; thứ bậc theo quy mô dân số, diện tích). Chúng được thành lập theo quyết định của chính phủ và có bộ máy quản lý chính thức. 

Chúng ta dễ bắt gặp những danh xưng: Bangkok Capital Region (BCR)/Vùng đô thị thủ đô Bangkok; Jabotabek Metropolitan Region (JMR)/Vùng đô thị Jakarta và Botabek; Kuala Lumpur Metropolitan Region (KLMR)/Vùng đô thị Kuala Lumpur; Manila Metropolitan Region (MMR)/Vùng đô thị Manila...

Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên, có thể thấy việc phát triển mô hình thành phố trong thành phố mang đến nhiều ưu điểm và cơ hội bứt tốc cho các đô thị. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, các chính sách ưu đãi, thúc đẩy kinh tế, cần có những quy hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, để có thể hài hòa được lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm: “Chính phủ và các cơ quan của QH phải tổng kết thực tiễn, đánh giá cho nghiêm cẩn mô hình thành phố trong thành phố. Từ đó, có phân loại các địa phương trong 63 tỉnh, thành để nhóm địa phương có cùng tính chất, có cùng các đặc điểm phân hóa thành các nhóm cụ thể, có chính sách tác động phù hợp để tránh tình trạng ban hành những văn bản riêng rẽ mà chúng ta gọi là đặc thù. Tiến tới, không cần thiết phải ban hành nghị quyết riêng và những vấn đề đấy cần phải tổng kết nhanh để quy phạm hóa nó thành những chương, mục cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cuộc đua "lên đời" thành phố (KỲ III): Bài học từ Hàn Quốc, Nhật Bản tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713940860 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713940860 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10