Năm 2020 sắp kết thúc, nhưng nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa thực hiện được kế hoạch thoái vốn Nhà nước. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào các cổ phiếu này.
Năm 2020 ghi nhận đã có 21/24 thương vụ đấu giá thành công số cổ phần được chào bán, tổng giá trị mang về cho Nhà nước gần 8 nghìn tỷ đồng. Trong khi năm 2019 có tới 34/48 thương vụ chào bán thành công số cổ phần được đấu giá, nhưng tổng giá trị mang về cho Nhà nước cũng chỉ hơn 5 nghìn tỷ đồng. Có thể nói, tình hình thoái vốn Nhà nước trong năm 2020 đã giảm về lượng nhưng tăng về chất, kéo theo giá cổ phiếu thoái vốn tăng vọt.
Trước hết phải nói tới thương vụ Bộ Xây dựng tiếp tục thoái toàn bộ vốn khỏi Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC) khi bán toàn bộ 108 triệu cổ phiếu (tương đương 36% vốn điều lệ) đang sở hữu. Toàn bộ số cổ phiếu IDC đã được bán hết cho 1 nhà đầu tư tổ chức và 8 nhà đầu tư cá nhân với giá bình quân 26.936 đồng/cp, bằng với mức giá khởi điểm. Theo đó, Bộ Xây dựng thu về gần 3 nghìn tỷ đồng sau phiên đấu giá ngày 27/11 vừa qua. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IDC kết thúc phiên 27/11 với mức giá kịch trần 29.500 đồng/cp, cũng là mức cao kỷ lục kể từ ngày cổ phiếu này niêm yết. Tính đến phiên giao dịch ngày 23/12, cổ phiếu IDC đã cán mốc 36.800 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với đầu năm nay.
Bộ Xây dựng cũng đã thoái vốn khỏi Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1). Theo đó, Bộ Xây dựng đã bán thành công gần 45 triệu cổ phiếu CCI (tương ứng 40,53% vốn điều lệ) đang nắm giữ thông qua buổi đấu giá ngày 25/11 vừa qua. Số cổ phiếu trên được 12 nhà đầu tư cá nhân gom về với giá bình quân 23.031 đồng/cp, bằng với mức giá khởi điểm. Ước tính Bộ Xây dựng thu về hơn 1 nghìn tỷ đồng sau thương vụ này. Tuy nhiên đến phiên 23/12, cổ phiếu CC1 đã giảm xuống 15.000đ/cp.
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã tổ chức bán đấu giá gần 5 triệu cổ phiếu VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP) với giá khởi điểm 105.500 đồng/cp. Toàn bộ số cổ phiếu trên được bán thành công cho 12 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng bình quân 105.907 đồng/cp. Thương vụ này mang về cho Viettel gần 528 tỷ đồng. Trên thị trường ngày 22/12 cổ phiếu VTP cán mốc 108.700 đồng/cp.
Ngoài ra, SCIC cũng đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) trong phiên đấu giá lần 2 diễn ra ngày 03/12 vừa qua. Theo đó, SCIC đã đấu giá thành công 17.85 triệu cổ phiếu AFX (tương ứng 51% vốn điều lệ) với mức giá 19.500 đồng/cp (cao hơn giá khởi điểm 200 đồng/cp), tương ứng giá trị thương vụ đạt hơn 339 tỷ đồng. Phiên đấu giá này có 1 nhà đầu tư tổ chức trúng thầu.... Tuy nhiên đến phiên 23/12, cổ phiếu AFX giảm xuống chỉ còn 11.900đ/cp.
Mặc dù không còn những thương vụ thoái vốn “hoành tráng” như tại Sabeco hay Vinamilk trước đây, nhưng trong năm 2020 có hàng loạt thương vụ thoái vốn nhà nước với quy mô lớn cũng đang diễn ra. Điều này đã tạo ra cuộc chạy đua săn các cổ phiếu thoái vốn. Cuộc đua ấy sẽ ngày càng quyết liệt hơn khi được sự hưởng ứng của cả khối nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Trên thị trường, đã có nhiều đồn đoán về việc có nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư lớn đang nhòm ngó nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước sắp thoái vốn trọn lô. Theo đó, những cổ phiếu này được dự báo sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư cũng cần thận trọng trước những cổ phiếu này để có quyết định đầu tư phù hợp. Đua theo cuộc chơi thoái vốn có thể đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư, nhưng rủi ro thua lỗ cũng rất lớn...
Có thể bạn quan tâm
“Say sóng” cổ phiếu thoái vốn
10:00, 08/09/2020
Cẩn trọng đầu tư cổ phiếu thoái vốn Nhà nước
04:30, 07/07/2020
IDC “lao đao”
11:30, 18/11/2020
IDC - Đa ngành không phải lúc nào cũng tốt
10:08, 27/09/2019
Nhiều cơ hội “phủ sóng” thị trường tại VTP
11:30, 16/11/2020
Chiến lược “tay ngang” của VTP
16:30, 14/07/2019
Cổ phiếu AFX "sập sàn" sau nhiều phiên tăng trần
05:00, 19/08/2020