Việc tỉnh nghèo Hà Giang đề xuất Chính phủ cho phép xây trung tâm hành chính mới tổng mức đầu tư hơn 692 tỷ đồng đã gây nhiều ý kiến phản đối trong dư luận.
Trung tâm hành chính mới tập trung mà Hà Giang muốn xây sẽ gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng 29.888m2. Về phương án tài chính, thời gian trả cả gốc lẫn lãi của dự án được dự tính là là 11 năm và thời gian doanh thu, thu hồi vốn và đảm bảo chỉ tiêu kinh tế khoảng 9 năm.
Tính đến 31/12/2017, số hộ nghèo của tỉnh Hà Giang là 60,4 nghìn hộ
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Giang Nguyễn Tiến Lợi lý giải: “Quỹ đất của tỉnh không có nhiều nhưng các cơ quan ban ngành nắm giữ hết, mỗi cơ quan 1 góc gây lãng phí. Hà Giang không có tư duy chạy theo phong trào, thấy địa phương này xin được Hà Giang cũng xin, mà mong muốn của chúng tôi là vượt khó, là thoát nghèo… Nếu xây trụ sở hành chính, tập trung được các cơ quan quản lý vào một nơi thì những quỹ đất đó có thể giao cho các nhà đầu tư sử dụng kinh doanh. Làm được như vậy, sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nguồn vốn đầu tư đổ vào Hà Giang sẽ nhiều hơn, người dân Hà Giang bớt khổ hơn”.
Nhưng, thật khó để có một ai có thể đồng ý với những kiến nghị này. Bởi, thực tiễn, Hà Giang hiện nằm trong danh sách những tỉnh nghèo nhất nước trong cả một thời gian dài. Theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tính đến ngày 31/12/2017, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 60,4 nghìn hộ, chiếm tới 34,18% tổng số hộ trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, riêng 6 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50,18%. Số hộ cận nghèo là 24,7 nghìn hộ, chiếm 14% tổng số hộ của tỉnh.
Nhìn những con số đã là thế nhưng người nào đã từng đến Hà Giang rồi còn hiểu hơn nữa đời sống của người dân nơi đây khổ cực như thế nào. Nơi đây chỉ toàn cao nguyên đá, trồng cây gì, nuôi con gì còn khó chứ nói gì đến phát triển công nghiệp hay dịch vụ. Mấy năm nay, định hướng trồng hoa tam giác mạch có mang lại chút lợi nhuận về kinh tế qua dịch vụ chụp ảnh. Tuy vậy, nó vẫn không thể cải thiện tình hình chung cho mọi người dân.
Giá như người ta xin 600 tỷ để xây trường học cho học sinh nghèo ở Hà Giang. Hay dùng 600 tỷ để cho các hộ dân vay vốn làm ăn, hoặc đầu tư xây dựng những trang trại tập trung, giúp đời sống của người dân được cải thiện hơn...
Theo TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc xây trung tâm hành chính hoành tráng đang trở thành "trào lưu" ở không ít tỉnh, thành, càng tỉnh nghèo càng "hăng hái" xin xây công trình nghìn tỷ. Điển hình như Sơn La từng xin xây dựng quảng trường lên đến 1.400 tỉ đồng hay Đăk Nông cũng xin 900 tỉ xây quảng trường...
"Hà Giang là địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách hầu hết do Trung ương hỗ trợ. Vì thế, lẽ ra tỉnh cần nghĩ cách để tăng cường nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt đường giao thông, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế địa phương chứ không phải xin xây trụ sở hoành tráng". - TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) nhìn nhận: “Trung tâm hành chính mới được xây hàng loạt ở các tỉnh thành thời gian qua, thực chất mới chỉ là “tòa nhà” mới, kéo chỗ ngồi cơ học với nhau; còn hiệu quả quy trình hành chính thì không được nâng cao”.
Còn theo người viết, đối với một số tỉnh còn nghèo, thay vì xây một cái trung tâm thật to, thật lớn chỉ để cho đẹp, thì việc đáp ứng chất lượng, đáp ứng sự thuận tiện cho người dân mới là thứ mà các cơ quan hành chính ở Việt Nam cần phải làm được bây giờ. Đừng để người dân thấy mình nhỏ bé, rụt rè ở nơi những “công bộc”.
Muốn bỏ hàng trăm tỷ để cho dân thoát nghèo bằng cách xây trung tâm hành chính hoành tráng, to đẹp. Nếu trung tâm hành chính hoành tráng thật sự mang đến cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho người dân thì sao người ta lại phản đối như vậy? Lãnh đạo tỉnh Hà Giang nói riêng và các địa phương khác trả lời thuyết phục được người dân của mình thì hãy quyết tâm làm.