Từ ngày 8.2.2021, khi Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực, những thửa đất xen kẽ trong các dự án sẽ không phải thông qua đấu giá mà được giao, cho thuê.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý.
Cụ thể, để được giao đất, cho thuê các thửa đất nhỏ, hẹp do nhà nước quản lý, các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các tiêu chí: Thứ nhất, thuộc quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đất chưa giao, đất chưa cho thuê hoặc đất đang giao quản lý theo quy định. Thứ hai, có diện tích, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Thứ ba, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ tư, thửa đất được giao, cho thuê không thuộc khu vực đất thực hiện các dự án, công trình đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai.
Ngoài ra, các khu đất không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc giao đất, cho thuê đất, Nghị định cũng nêu rõ: Ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.
Giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất với trường hợp thửa đất nhỏ hẹp có từ hai người sử dụng đất liền kề trở lên có nhu cầu sử dụng, không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp chỉ có một người có nhu cầu sử dụng đất.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp cho người sử dụng đất liền kề được thực hiện sau khi UBND các cấp đã tổ chức rà soát, công bố công khai và lấy ý kiến của người dân nơi có đất.
Đồng thời phải căn cứ vào đơn đề nghị giao đất, cho thuê đất của người sử dụng liền kề và phải được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ. Sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, người sử dụng đất liền kề phải thực hiện thủ tục hợp thửa đất theo quy định. Bảo đảm các quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự, không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài phản ánh về việc dự án nhà ở ách tắc vì đất công xen cài, trong đó nổi bật là tại TP HCM, hiện có hàng trăm dự án nhà ở giậm chân tại chỗ vì tình trạng này.
Phần đất công này thường có hình dạng bất định hình hoặc nằm phân tán, không thể xác định các chỉ tiêu quy hoạch chi tiết nên không thể hình thành dự án độc lập trong lòng các dự án này; và nhà đầu tư khác cũng không thể thực hiện dự án riêng tại các mảnh đất nhỏ này được.
Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì về nguyên tắc "đất công phải thực hiện đấu giá". Tuy nhiên, quy định này không thể áp dụng trong các trường hợp nêu trên vì không sát thực tế, không hợp tình, hợp lý, bất khả thi và đang là ách tắc dẫn đến chủ đầu tư không được giao đất để triển khai, thực hiện dự án, dẫn đến vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp.
Đơn cử như trường hợp như chủ đầu tư Novaland có tới 10 dự án chưa được làm sổ vì đất công xen cài, dù có dự án chỉ vài trăm mét vuông. Hay dự án Green Star Sky Garden của Cty Hưng Lộc Phát tại quận 7, TPHCM, được thực hiện trên quỹ đất 52.648m2 hiện vướng hơn 7.000m2 đất công (chiếm 14% diện tích) là kênh rạch, đường do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư không thể thực hiện các thủ tục pháp lý để cơ quan chức năng giao đất, dự án ách tắc kéo dài.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Nghị định 148 giải quyết được nhiều vướng mắc về pháp lý bấy lâu nay.
"Đặc biệt các quy định trong đó đã tạo cơ chế hợp lý, minh bạch để giải quyết các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án bất động sản, giúp khai thông bế tắc cho hàng ngàn dự án nhà ở trong cả nước, vừa đảm bảo không làm thất thoát tài sản công (đất đai), vừa tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, cũng vừa làm căn cứ pháp lý để cán bộ công chức chuyên tâm trong thực thi công vụ" - ông Châu khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp sắp được “cởi trói”
08:45, 26/05/2020
Dự án có đất hỗn hợp càng thêm khó
17:00, 24/04/2020
[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: Doanh nghiệp chật vật triển khai dự án có đất hỗn hợp
12:30, 22/02/2020
"Gỡ khó" cho dự án vướng đất công: Để địa phương quyết định
06:00, 21/10/2019