Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng khẳng định, công nghệ được áp dụng vào Nhà máy xử lý rác Đà Nẵng phải bắt buộc có xuất xứ từ châu Âu, có giấy tờ chứng từ xác thực rõ ràng.
Như DĐDN đã thông tin, dự án đốt rác bằng điện tại Đà Nẵng bế tắc khi không nhận được sự ủng hộ của người dân vì không tin vào công nghệ đốt rác của Trung Quốc.
Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về công nghệ
Thời gian vừa qua, việc xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn đang đi vào ngõ cụt khi rác bị ùn ứ, trong khi người dân nơi đây phản đối công nghệ xử lý rác. Nhiều người đã nghi ngờ về công nghệ xử lý rác của Công ty CP Môi trường Việt Nam (MTVN) liên doanh với công ty EverBright International (Trung Quốc).
Giải thích vấn đề trên, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết, năm 2009, TP Đà Nẵng cấp chủ trương đầu tư cho Công ty CP Môi trường Việt Nam (MTVN) xây dựng nhà máy xử lý rác công suất 650 tấn/ngày tại bãi rác Khánh Sơn. Năm 2015, nhà máy đưa vào khai thác giai đoạn 1 nhưng chỉ sau 6 tháng hoạt động thì phải dừng từ đó đến nay vì công nghệ quá kém.
Có thể bạn quan tâm
11:21, 26/07/2019
15:51, 25/07/2019
07:30, 24/07/2019
15:12, 18/07/2019
Hiện nay, theo đề xuất của nhà đầu tư, lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương cho Công ty MTVN nâng cấp công nghệ và tiếp tục triển khai dự án với quy mô 650 tấn/ngày. Nhà đầu tư đề xuất triển khai công nghệ đốt rác thu nhiên liệu, quá trình triển khai phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Như về công nghệ phải được Bộ TN&MT thẩm định và các thủ tục theo luật định
Ông Hùng khẳng định: “Đối với tỉ lệ tro xỉ đáy còn lại sau đốt rác phát điện phải dưới 20% lượng rác đưa vào lò đốt. Trách nhiệm của nhà đầu tư là phải xử lý, sử dụng lượng tro xỉ đáy này để làm vật liệu xây dựng, san lấp nền hay các việc khác đảm bảo quy định về môi trường. Tỉ lệ tro bay còn lại sau xử lý cũng phải dưới 5%. Nhà đầu tư cam kết chịu trách nhiệm xử lý luôn số tro bay này chứ không phải tốn thêm đất để chôn lấp. Và công nghệ được áp dụng vào nhà máy phải bắt buộc có xuất xứ từ Châu Âu, có giấy tờ chứng từ xác thực rõ ràng. ”
Đấu thầu công khai
Thế nhưng theo ước tính mỗi ngày TP Đà Nẵng thải ra hơn 1000 tấn rác, nếu như không sớm nâng cấp công nghệ thì tình trạng ùn ứ rác thải vẫn sẽ diễn ra. Theo ông Hùng, TP sẽ tổ chức đấu thầu công khai xử lý rác thải để xây dựng nhà máy với quy mô xử lý 1000 tấn. Tính đến năm 2025 TP Đà Nẵng sẽ có 2 nhà máy xử lý rác thải với qui mô xử lý 1650 tấn rác/ngày.
Được biết, cuối tháng 5/2019, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất cho phép Công ty CP MTVN được đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Khánh Sơn. Công ty này liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hong Kong) để đầu tư công nghệ đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn với công suất xử lý rác 650 tấn/ngày.
Trước đó, như DĐDN đã phản ánh, trong nhiều ngày liên tiếp, hàng trăm người dân bao vây ngăn không cho xe vận chuyển ra, vào tại bãi rác Khánh Sơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân chưa tin tưởng vào công nghệ đốt rác phát điện trên.
Trao đổi với Báo DĐDN, lãnh đạo Công ty CP MTVN, chủ đầu tư dự án điện rác Khánh Sơn khẳng định: “Dự án Xây dựng Nhà máy điện rác tại Khánh Sơn là một trong nhiều dự án xử lý rác thải mà đơn vị đã thực thành công trên cả nước. Chúng tôi dám khẳng định và tự tin về công nghệ mà đơn vị vận hành hoàn toàn không gây ô nhiềm môi trường”.
Với khẳng định trên, đại diện lãnh đạo Công ty CP MTVN đưa ra hàng loạt căn cứ, văn bản chứng nhận đã được nhiều cơ quan trong nước và quốc tế ghi nhận.
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa IX ngày 11/7, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: “Hiện tại, TP Đà Nẵng đã tiếp nhận 42 nhà đầu tư đề xuất tham gia xử lý tại bãi rác Khánh Sơn với khoảng 6 loại công nghệ. TP sẽ xem xét lựa chọn công nghệ nào phù hợp nhất”.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cũng nêu rõ: “Chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn là nhất quán, không còn mơ hồ gì nữa. Vấn đề còn lại là phải trả lời với cử tri cho được: Một là quy hoạch cho rõ ràng. Hai là thế giới hiện phát triển rất nhiều công nghệ tiên tiến và Đà Nẵng phải tiếp cận cho được những công nghệ tốt nhất. Ba là công khai minh bạch, đấu thầu, đấu giá rộng rãi qua mạng, làm bài bản theo quy định của pháp luật”.