Trước bức xúc nhiều năm của người dân vì sống tại thành phố biển nhưng không có lối xuống biển, Bí thư TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa mới đây đã khẳng định sẽ “lấy lại” bãi biển cho người dân.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tìm ra cách thức để giải quyết hài hòa giữa nguyện vọng có lối xuống biển của người dân với quy mô đầu tư của doanh nghiệp.
Thương lượng xin lại từng mét đất
Sống ở thành phố biển nhưng người dân không tiếp cận được với biển là điều có thể dễ dàng nhận thấy khi đi dọc các tuyến đường ven biển từ bán đảo Sơn Trà đến tuyến Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa (TP Đà Nẵng). Hàng loạt dự án liên tiếp nhau, trong đó nhiều dự án, khu resort mang đẳng cấp quốc tế làm cho người ta có cảm giác ngành du lịch nghỉ dưỡng của TP phát triển mạnh nhưng đằng sau đó lại là một câu chuyện khác. Người dân địa phương từ bao đời gắn bó với biển đã và đang dần mất đi sự kết nối với biển theo từng quyết định giao đất dự án cho nhà đầu tư của thành phố.
Ông Nguyễn Mại (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort với quy mô lớn án ngữ dày đặc như thế trước bờ biển, chúng tôi muốn tắm biển phải đi theo các đường vòng. Thậm chí khi tới được bờ biển, chúng tôi cũng chỉ được sinh hoạt ở những khu vực không thuộc quản lý của khách sạn hay resort nào”.
Trả lời liên quan vấn đề này tại một buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ bày tỏ: “Để giải quyết lối đi xuống biển cho người dân, chúng tôi phải thương lượng với các chủ đầu tư để xin họ từng mét đất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đồng ý vì họ không muốn khuôn viên khách sạn bị chia cắt", ông Thơ cho hay.
Thành phố không giao bãi biển cho doanh nghiệp
Cách đây vài ngày, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Trương Quang Nghĩa đã chia sẻ, Hội đồng nhân dân có quyết tâm trong vấn đề giành lại lối xuống biển cho người dân.
Trước đó, 5 lối xuống biển cho người dân đã được UBND thành phố giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị triển khai như lối xuống biển rộng 17m giữa dự án Silver Shores và dự án Hòn Ngọc Á Châu; lối xuống biển rộng 10m tại phía bắc dự án The Nam Khang; lối xuống biển rộng 3,5m phía bắc dự án Đông Phương; lối xuống biển rộng 4m tại phía nam dự án Future Property và lối xuống biển giữa dự án Furama và dự án Ariyana.
Ông Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa người dân với quy mô đầu tư của doanh nghiệp? Bởi, nếu ứng xử không tốt thì ảnh hưởng môi trường đầu tư.
Bí thư khẳng định các lối xuống biển khác của toàn thành phố sẽ theo quan điểm cùng doanh nghiệp thực hiện theo Luật biển: “bãi biển là của cộng đồng”, sẽ lấy hết bãi biển phục vụ sinh hoạt cộng đồng; Thành phố sẽ cố gắng đầu tư con đường ranh giới giữa trên đất đã giao cho doanh nghiệp với phần đất bãi biển để có con đường đi dọc bãi biển làm đường đi bộ, đi xe đạp.
Ông Nghĩa cho biết điều này nằm trong khả năng vì: “hiện nay sự đồng thuận của doanh nghiệp và cơ sở pháp lý là hoàn toàn có thể”. Thứ nhất, Thành phố hoàn toàn không có việc giao bờ biển cho doanh nghiệp, “từ mép nước biển đi lên 50 m là không giao, đây là Luật biển, khu vực này thuộc cộng đồng”, Bí thư cho biết. Thứ hai, Thành phố đang cố gắng làm, đang rà soát lại hết. Theo ông Nghĩa, Đà Nẵng đã có thời gian phát triển các dự án mà quên lối xuống biển và ngoài một số lối đã nằm trong kế hoạch thì nhu cầu lối xuống biển còn rất nhiều.
“Hiện Thành phố đang chỉ đạo các Sở rà soát dự án đã xây dựng và chọn các vị trí điều chỉnh phù hợp thực tế. Chúng ta quyết tâm làm các lối xuống biển một cách đàng hoàng để mỗi người dân luôn có cảm giác bờ biển đó thuộc về mình”, Bí thư Trương Quang Nghĩa khẳng định.