Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị 43-CT/TU về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đợt bùng phát từ cuối tháng 7/2020 diễn ra nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các địa phương bạn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thành phố, đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát; số ca nhiễm bệnh giảm nhanh. Thành phố đã có đủ năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị và phòng, chống dịch; duy trì tương đối hoạt động sản xuất, thực hiện nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân và giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo nhận định và dự báo của các tổ chức và chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát và khả năng tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể thành phố cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, có biện pháp thích ứng, “chung sống” an toàn với dịch; đồng thời, phải duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trọng tâm, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương và của thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tuân thủ nghiêm túc các phương pháp, quy định về phòng, chống dịch; xác định việc chống dịch là lâu dài và phải dần hình thành thói quen, nếp sống, văn hóa trong sinh hoạt, giao tiếp xã hội phù hợp. Chú trọng làm tốt, hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, truyền thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… để người dân luôn đề phòng, nắm bắt những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, tạo ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân.
Thành phố Đà Nẵng đảm bảo đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để duy trì năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị, phòng, chống dịch. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ công tác COVID-19 tại cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Thực hiện đồng bộ chủ trương về khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19/5/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy. Từng cấp, từng ngành chủ động rà soát và có phương án, giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tập trung chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp tục đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành theo hướng rõ người, rõ việc, chủ động, quyết liệt trong thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, các hình thức trực tuyến trong xử lý công việc, hội họp, phù hợp với tình hình dịch bệnh và mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai đồng bộ thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, không để bị động, bất ngờ, đảm bảo thành phố thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn của nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.
Triển khai tốt các biện pháp đảm bảo an ninh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, an ninh truyền thông; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tiếp tục đánh giá công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, làm rõ hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp trong thời gian đến, không để bị động, bất ngờ. Trước mắt, triển khai xét nghiệm diện rộng trong tuần đầu tháng 9/2020 để có cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, kịp thời phát hiện và có biện pháp ứng phó, kiểm soát; đồng thời tạo cơ sở chuyển trạng thái, quản lý kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Khẩn trương ban hành các quy định quản lý, yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: trường học, bệnh viện, nơi làm việc, các địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, phương tiện vận tải công cộng…, với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân dễ dàng thực hiện, kèm theo các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, từng bước áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương, đảm bảo xử lý linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả các tình huống khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh hoặc dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại trong cộng đồng.
Chủ động rà soát, xây dựng kịch bản, kế hoạch khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trọng tâm sẽ là 3 yếu tố chính: (1) Khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa. (2) Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn. (3) Tích cực thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra.
Kịp thời cân đối thu, chi ngân sách sát với tình hình thu trên địa bàn; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực chi đầu tư phát triển, phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội. Chủ động thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đảm bảo đúng đối tượng, quy định, phù hợp với nguồn lực, công khai, minh bạch và kịp thời; thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau dịch bệnh.
Tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn, nơi cư trú, nhất là quản lý người nước ngoài, không để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý xuất nhập cảnh và công tác phòng, chống dịch; rà soát, sửa đổi các quy định và cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn. Đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, trộm cắp, cướp giật, các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thông tin sai sự thật và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự…
Tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch, khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm