Trong khi đợi chờ nhà máy nước mới mọc lên bằng cả sự tiết kiệm chân thành, thì người dân tiếp tục đối diện với nguy cơ mất nước bất cứ khi nào.
Nước sinh hoạt cũng quan trọng như câu nói đầy khoa học: “Chiếm 75% trọng lượng cơ thể người” vậy. Cách đây nhiều năm, khi nói về Đà Nẵng - đều là những chuyện tốt lành, một đô thị văn minh, đẹp từ câu nói cửa miệng “đáng sống”.
Ở giai đoạn Đà Nẵng là tấm gương sáng ngời, không ai nghĩ đến lúc nào đó nhiều rắc rối - dù tối thiểu nhất có thể làm khó dân chúng. Còn những chuyện lớn lao, âu cũng là cái giá phải trả sau nhiều năm tăng trưởng “nóng”.
Nhưng đến chuyện thành phố Đà Nẵng… thiếu nước sinh hoạt ngay giữa mùa mưa, nó có thể rất nhỏ để trở nên cấp bách trong hàng trăm hội thảo, hội nghị lớn lao khác. Nhưng lại là chuyện rất lớn với người dân.
Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) “lực bất tòng tâm” vì thượng nguồn không có mưa, một số nhà máy chưa xây dựng kịp dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng, khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng.
Kể cả người đứng đầu ngành nước cũng cảm thấy bàng hoàng không rõ căn cơ “đề nghị điều tra xử lý nếu ai cố tình tạo ra việc thiếu nước”. Có vẻ người ta đang nghi ngờ thế lực nào đó đủ sức mạnh “khóa” van nước? Vì mục đích gì? Còn quá sớm để khẳng định, song một vài mồi lửa gây hồ nghi bắt đầu nhúm lên cách đây chưa lâu.
Có thể bạn quan tâm
17:30, 06/11/2018
14:35, 06/11/2018
13:48, 06/11/2018
Ngày 3/2/2017, nhân cuộc làm việc đầu năm giữa Dawaco và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, lãnh đạo doanh nghiệp này tha thiết… xin không nhận nguồn vốn ODA của Nhật Bản đề đầu tư thêm nhà máy nước.
Tại cuộc làm việc này, những người đứng đầu Dawaco dậm dò ý định tăng giá nước, nhưng sợ dân phản ứng! “Nhưng nếu không nâng thì khó có tích lũy để tái đầu tư. Vì vậy trong quý 2 chúng tôi sẽ trình xin tăng giá nước”- một lãnh đạo cấp cao Dawaco nói.
Lo không có tiền tái đầu tư nhưng không muốn nhận nguồn vốn vay theo hình thức PPP. Vậy ý định của Dawaco là gì? “Nhà máy nước Hòa Liên (Đà Nẵng) tính toán của đơn vị Nhật Bản thì đầu tư từ 5.200 - 5.400 tỉ đồng, nhưng theo tính toán của chúng tôi thì không quá 1.500 tỉ” - lãnh đạo Dawaco phân tích.
Tạm tin con số tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng rất thuyết phục, nhưng vẫn còn lấn cấn chuyện tăng giá nước để đầu tư nhà máy. Tăng bao nhiêu? Thời gian áp dụng là bao lâu? Tổng chi phí người dân phải trả thêm là bao nhiêu ngàn tỷ? Đó là vấn đề.
Chấp nhận chi thêm tiền để được sử dụng công nghệ Nhật có tỷ lệ thất thoát nước chỉ 8% thuộc hàng thấp nhất thế giới, hay là dân chúng phải móc thêm hầu bao và sử dụng công nghệ… chưa biết của ai và cũng chưa biết khi nào nước chảy.
Lưu ý rằng, vốn Nhật Bản đề nghị là hình thức PPP, tức là thuộc 1 trong 5 hình thức hợp tác “công - tư” phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và Việt Nam. Trong đó có hình thức bên đầu tư được quyền “khai thác - hoàn vốn - chuyển giao” như BOT, BOO…
Có phải Dawaco lo cho ngân sách bị hao tổn hay sợ mất miếng bánh béo bở vào tay doanh nghiệp nước ngoài? Từ bao lâu rồi một doanh nghiệp có bóng dáng nhà nước (Cổ phần) có cái nhìn e ngại với vốn ODA Nhật Bản - vốn dĩ rất uy tín về mặt công nghệ và hiệu quả thực tế.
Vậy mà rất nhiều nơi dễ dàng gật đầu trước làn sóng vốn Trung Quốc ồ ạt qua biên giới, kéo theo vô vàn hệ lụy. Việc Đà Nẵng từ chối ODA Nhật là nghịch lý cần lắm câu trả lời (điều tra) như lời một vị lãnh đạo Dawaco đề nghị.
Và hãy xem người dân lợi hay thiệt trước tính toán rất chí lý của Dawaco: Một triệu người thiếu nước sinh hoạt vì nhùng nhằng có nên xây hay không một nhà máy cấp nước có vốn đầu tư nước ngoài! Thiệt hại này có đáng xảy ra vì một lời đề nghị đầy khả nghi.
Thiết nghĩ, tiết kiệm vài ngàn tỷ đổi lấy sự bức xúc của người dân. Và trong khi đợi chờ nhà máy nước mới mọc lên bằng cả sự tiết kiệm chân thành, thì người dân tiếp tục đối diện với nguy cơ mất nước bất cứ khi nào.