Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp, tổ chức sáng 1/7.
- Có thể khẳng định, các doanh nghiệp chính là chủ thể của Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư IPA giữa Việt Nam và EU. Vậy theo Bộ trưởng hai Hiệp định này tác động như thế nào đến Việt Nam?
Có thể nói Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư mà chúng ta đã ký kết đều là những hiệp định thế hệ mới với những chuẩn mực cao. Tham gia các Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam. Ví dụ, cơ hội tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu của doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở phát triển công nghiệp hỗ trợ… Đặc biệt, mục tiêu cuối cùng rất quan trọng đó là Việt Nam sẽ xây dựng một nền kinh tế tự chủ, trên nền tảng chiến lược đối ngoại là đa phương hóa, đa dạng hóa, không phụ thuộc vào những đối tác và những thị trường nhất định…
Có thể bạn quan tâm
14:11, 01/07/2019
06:34, 01/07/2019
18:45, 30/06/2019
18:21, 30/06/2019
- Nói đến một FTA, mọi người thường chú ý đến các cơ hội gia tăng thương mại, thưa Bộ trưởng?
EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).
Tuy nhiên, với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa. Hiệp định EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững. Các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, v.v. chính là cơ sở để ta tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0.
Khi đó, các cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của Viêt Nam cũng sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp và nhà đầu tư của EU, được thuận lợi và và hiệu quả hơn.
Theo các tính toán của chuyên gia Việt Nam, nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện ngay thì có thể sẽ góp phần làm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn từ năm 2019 đến 2023; 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn năm 2024 đến 2028 và từ 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn năm 2029 đến 2033. Song song với tăng trưởng kinh tế, Hiệp định EVFTA cũng giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000 lao động mỗi năm. Về phía EU, theo nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (EC), Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro. Ngoài ra, dự kiến xuất khẩu của EU sang Việt Nam có thể tăng trung bình khoảng 29%. Đó là chưa kể các lợi ích khác đến từ các lĩnh vực dịch vụ, mua sắm của Chính phủ…
- Cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU, thưa ông?
Thứ nhất, công đồng doanh nghiệp của chúng ta được biết đến bởi phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, với số lượng lên tới khoảng hơn 97% doanh nghiệp của Việt Nam. Những hạn chế của các DNNVV về năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, quy mô doanh nghiệp từ tín dụng đến đội ngũ nhân lực, khả năng quản trị, công tác xây dựng thương hiệu, khả năng tiếp cận với thị trường thế giới… còn rất nhiều hạn chế. Khi Việt Nam trở thành đối tác của một khu vực kinh tế hàng đầu thế giới với tổng GDP lên tới hơn 18.000 tỷ USD, trình độ phát triển của từng quốc gia cũng như doanh nghiệp cũng đứng đầu thế giới sẽ cho chúng ta có được cái nhìn thực tế hơn, đó là còn nhiều vấn đề lớn cần đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, với bối cảnh hiện nay chúng ta nhận thấy có những lợi thế, nhưng để thâm nhập được thị trường châu Âu thì hàng rào thuế quan không phải là tất cả. Cắt giảm thuế quan tạo ra bước đi rất cơ bản cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên với những chuẩn mực cao của châu Âu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch động vật, thực vật, điều kiện lao động… sẽ không dễ dàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, thách thức rất lớn ngay trong hệ thống bán lẻ trong nước, thị trường nội địa và một số ngành sản xuất. Bởi vì áp lực cạnh tranh đang mang lại áp lực rất cụ thể cho từng ngành hàng, từng sản phẩm của từng doanh nghiệp và người sản xuất trong nước.
- Xin cảm ơn ông!