Đặc khu kinh tế (SEZ) vừa tiêu tốn chi phí đầu tư lớn, vừa làm giảm nguồn thu thuế ngắn hạn... Tuy nhiên, nếu phát triển thành công, SEZ sẽ hỗ trợ tích cực cho các nền kinh tế trong dài hạn.
Năm 1986 có 176 SEZ hình thành và hoạt động ở 47 quốc gia trên thế giới và đến nay đã có hơn 4.000 SEZ ở hơn 130 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đã có tới khoảng 50% SEZ được thành lập vấp phải thất bại.
Hình thành và phát triển
SEZ lần đầu tiên được thành lập ở Shannon (Ireland) vào năm 1959. Những hình thức đặc trưng nhất của SEZ là khu kinh tế tự do, khu thương mại tự do, khu vực kinh tế đặc biệt đa chức năng, khu công nghiệp sinh thái... Tuy mức độ và hình thức khác nhau nhưng các loại SEZ đều giống nhau ở việc khép kín về địa lý và có hàng rào ranh giới cụ thể, được vận hành bởi một cơ quan hành chính duy nhất, và được áp dụng chính sách thuế quan riêng.
Thời gian đầu, SEZ có phiên bản “Zones 1.0” có mục tiêu chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu và thu ngoại tệ. Điểm yếu của hình thức này là biệt lập với khu vực xung quanh, cũng như dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính và thuế. "Zones 2.0" là những SEZ hiện đại và thực tiễn hơn, phạm vi địa lý rộng lớn hơn, và hiệu quả với kinh tế ở khu vực xung quanh cũng như đa chức năng hơn để bớt lệ thuộc vào những ưu đãi tài chính và thuế. Trung Quốc và một số nước còn dùng mô hình này để thử nghiệm chính sách phát triển kinh tế thị trường có kiểm soát và kinh tế thị trường tự do. "Zones 3.0" kết hợp những ưu điểm của hai hình thức trên tạo thành những giải pháp tổng thể và bao trùm hơn.
Nguyên nhân thành công và thất bại
Trung Quốc khá thành công với các mô hình SEZ, trong đó phải kể đến Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Khu mậu dịch tự do Thượng Hải... Hàn Quốc cũng được đánh giá phát triển thành công SEZ, như Incheon, Busan-Jinhae, Gwangyang... Những quốc gia khác thành công với SEZ là Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Malaysia...
Để phát triển thành công SEZ, Nhà nước phải đóng vai trò rất quyết định khi đảm bảo có được cho SEZ sự hậu thuẫn mạnh mẽ và nhất quán cần thiết cũng như khuôn khổ pháp lý thích hợp và ổn định.
SEZ thành công nhờ gắn với chiến lược dài hạn của quốc gia về phát triển kinh tế xã hội. SEZ đã thành công ở những nơi có vị trí địa lý thích hợp và thuận lợi, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng mọi yêu cầu đặc thù của đặc khu.
Từ đó có thể thấy, Nhà nước đóng vai trò rất quyết định khi phải đảm bảo có được cho SEZ sự hậu thuẫn mạnh mẽ và nhất quán cần thiết cũng như khuôn khổ pháp lý thích hợp và ổn định. Những nguyên nhân thành công khác nữa là quản lý, vận hành tốt, dịch vụ công tốt, đảm bảo nguồn nhân lực đủ trình độ và đặc biệt là kết nối với nền kinh tế ở bên ngoài cũng như đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường sinh thái.
Ở những SEZ bị thất bại cho tới nay phổ biến ở các nước châu Phi, Ấn Độ... Sở dĩ SEZ của các quốc gia này thất bại là do khuôn khổ pháp lý và cơ chế vận hành không có đủ hoặc có nhưng không thích hợp, không tạo ra được môi trường sản xuất kinh doanh hấp dẫn và hiệu quả, nên không thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhiều SEZ bị thất bại do không được chuẩn bị chu đáo, nhiều quyết định sai lầm về chiến lược dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cũng có những SEZ bị thất bại vì không có được cơ sở hạ tầng tương ứng. Ngoài ra, không ít SEZ đã bị thất bại bởi không được Chính phủ các nước kiên định ủng hộ hoặc ủng hộ nửa vời, không có được nguồn nhân lực đủ chuyên môn, không tạo được quan hệ hài hoà với địa phương.