TTC AgriS (AgriS, HOSE: SBT) vừa khánh thành AgriS Building - trụ sở “xanh” đạt chứng nhận LEED Gold, đánh dấu mốc tách khỏi “mái nhà chung” TTC Group.
Với bước chuyển mình này, liệu AgriS có thể đưa nông nghiệp Việt vươn lên dẫn đầu khu vực, trong bối cảnh an ninh lương thực vẫn là thách thức lớn?
Sự bứt phá của AgriS gắn liền với bà Đặng Huỳnh Ức My, người tiếp quản ghế Chủ tịch từ tháng 7 năm ngoái.
Không còn là đơn vị chuyên sản xuất mía đường truyền thống, AgriS đang mở rộng khai thác và chế biến sâu nhiều loại nông sản khác như dừa, chuối,... và phát triển các sản phẩm FBMC (nước uống, thực phẩm, bánh kẹo) nhằm đa dạng danh mục sản phẩm và tối ưu hóa giá trị cây trồng trên nền tảng công nghệ cao.
Bà My cũng tái cấu trúc đầu tư tập trung vào nông nghiệp, huy động các nguồn vốn xanh, đặt R&D làm mũi nhọn, tấn công vào thị trường FBMC toàn cầu. Dưới sự dẫn dắt của bà, AgriS đẩy mạnh hiện diện quốc tế qua việc mở rộng vùng nguyên liệu đa quốc gia, tăng cường hợp tác với quốc tế trong các lĩnh vực R&D, thương mại, tài chính,…
Những hợp tác nổi bật mới đây như ký kết với Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, tham gia vào hệ sinh thái đổi mới SAIL; bắt tay chiến lược với tập đoàn Sungai Budi khai thác tiềm năng nông nghiệp ở Indonesia;… Các hợp tác này sẽ tạo ra sự ảnh hưởng trong khu vực, được Chính phủ Việt Nam và các nước ủng hộ, tạo điều kiện để đẩy mạnh triển khai.
Với tầm vóc và quy mô hoạt động ngày càng lớn, AgriS dường như đang thoát khỏi khuôn khổ TTC Group để vươn xa hơn. Sau động thái thoái vốn khỏi các ngành khác trong hệ sinh thái TTC Group hồi đầu năm và nay chuyển sang trụ sở mới, AgriS đang cho thấy một vị thế độc lập, tối ưu nguồn lực để thực thi chiến lược phát triển tập trung vào nông nghiệp.
Bà My cho biết, “AgriS tăng cường tự chủ để nâng cao khả năng linh hoạt, thích ứng với những biến động; đồng thời phát huy tiềm năng và tốc độ phát triển trong giai đoạn tới”.
Theo bà, đây là cách AgriS góp phần triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Chính phủ Việt Nam về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đồng thời thực hiện vai trò dẫn dắt trong kế hoạch hình thành tam giác kinh tế nông nghiệp Việt Nam - Singapore - Indonesia.
Trụ sở mới ra đời là cơ quan đầu não phục vụ cho chiến lược phát triển của AgriS, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của nông nghiệp Việt.
Trung tâm R&D đặt tại đây sẽ kết nối với chuỗi trung tâm ở Úc, Singapore và Indonesia để tối ưu các mũi nhọn trong nghiên cứu & phát triển nông nghiệp.
Tòa nhà có trung tâm hội nghị rộng hơn 1.000m2, dành cho các sự kiện ESG, hội thảo xanh, kết nối cộng đồng và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp.
Bà My khẳng định, vai trò và chức năng của AgriS Building là tạo điều kiện đẩy mạnh chia sẻ mô hình chuỗi giá trị thương mại tuần hoàn, tạo nền tảng vững chắc cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cùng tham gia nhằm gia tăng giá trị và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
An ninh lương thực toàn cầu đang là vấn đề trọng yếu bởi biến đổi khí hậu và các xung đột địa chính trị. Đông Nam Á - với dân số 650 triệu người và tiềm năng nông nghiệp lớn - trở thành khu vực chiến lược.
Tam giác nông nghiệp Việt Nam - Singapore - Indonesia một khi được thiết lập, sẽ gắn kết chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn khu vực. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng tầm vị thế của nông nghiệp Việt Nam và góp phần giải bài toán an ninh lương thực cấp bách.