Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội): Giải ngân vốn đầu tư quan trọng nhưng không phải bằng mọi giá

THY HẰNG 13/06/2020 16:30

Trước ý kiến cho rằng "giải ngân là yếu tố quan trọng", đại biểu TP Hà Nội nêu rõ, quan điểm đó là đúng nhưng chưa đủ...

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chiều 13/6, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm đến tiến độ giải ngân; một số giải pháp liên quan đến miễn, giảm thuế; các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định phát triển...

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch trung hạn 2021-2025, những nhiệm vụ mà 4 năm trước chúng ta chưa thực hiện được sẽ là áp lực rất lớn đối với 6 tháng còn lại. Tiến độ giải ngân đã có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu. Đại biểu cho biết, đến hết quý 1/2020, vẫn còn 29 bộ, ngành, địa phương có số giải ngân dưới 5%.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội).

Trước ý kiến cho rằng "giải ngân là yếu tố quan trọng", đại biểu TP Hà Nội nêu rõ, quan điểm đó là đúng nhưng chưa đủ. Đại biểu phân tích, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân tăng 1% thì GDP tăng 0,06% nhưng nếu hạ 1 lần chỉ số ICOR thì GDP tăng 1,42%. Như vậy, theo đại biểu, giải pháp mà chúng ta phải theo đuổi lâu dài phải là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, chứ không phải là giải ngân bằng mọi giá.

Hiện nay, Nghị quyết số 1023 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã không còn phù hợp với Luật Đầu tư công hiện hành. Nếu như không có văn bản thay thế thì sẽ không có căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021. Vì vậy, đại biểu đề nghị có biện pháp xử lý.

Tại phiên thảo luận cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 hôm 11/6, vị đại biểu TP Hà Nội cũng cho rằng, việc chuyển đổi chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, dù là do nguyên nhân gì, đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi cũng sẽ để lại những hệ quả ảnh hưởng đến chủ trương của Nhà nước, việc huy động nguồn lực, dư luận xã hội cũng như sự chủ động của bố trí vốn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra phương án về cân đối vốn khi chuyển đổi trong Tờ trình của Chính phủ chưa thực sự cụ thể. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có báo cáo thuyết minh cụ thể về phương án cân đối vốn cung như phương án thu hồi vốn nhà nước sau khi thực hiện dự án.

Trong phiên thảo luận chiều này, đại biểu đặc biệt quan tâm đến các giải pháp về thuế, đại biểu nói, tại kỳ họp này Chính phủ đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến miễn, giảm thuế bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường; trước đó ban hành nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. 

Đại biểu phân tích, hiện nay, việc giảm thuế có tác động lớn đến ngân sách nhà nước. Tính riêng năm 2020, giảm thuế thu nhập cá nhân là 10.800 tỷ đồng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là 10.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí, lệ phí cũng đang rất thấp so với các nước trong khu vực, hiện chỉ đạt 21,1%. Với tiến độ giảm thuế dài hạn và trên diện rộng sẽ tác động rất lớn đến tính an toàn, ổn định của ngân sách nhà nước, phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế.

"Những chính sách thuế này có tác dụng động viên rất lớn song xét về lâu dài thì cần tính toán thận trọng, nhằm bảo đảm cân đối thu, chi; bảo đảm tỷ lệ động viên từ thuế, phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội): Giải ngân vốn đầu tư quan trọng nhưng không phải bằng mọi giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO