Xung đột giữa Israel và Palestine đang đè nặng áp lực lên hệ thống y tế tại dải Gaza, đồng thời thổi bùng nỗi lo ngại nơi đây sẽ trở thành điểm nóng COVID-19 mới.
Bạo lực giữa Israel và Hamas tại Gaza đã khiến 122 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 28 trẻ em và làm bị thương 530 người ở vùng lãnh thổ nghèo khó này. Để đáp trả đòn tập kích rocket của Hamas, không quân Israel ném bom, phóng tên lửa làm nổ tung các tòa nhà cao tầng ở Dải Gaza.
Điều này đã làm gia tăng áp lực nặng nề lên các bệnh viện tại dải Gaza. Hiện tại, các bác sĩ trên khắp khu vực giờ phải phân bổ lại giường bệnh trong khu điều trị tích cực để tiến hành băng bó, điều trị vết thương do các vụ nổ và mảnh đạn, thực hiện phẫu thuật cắt cụt chi.
Tương tự, các phòng bệnh bệnh viện Indonesia ở một thị trấn phía Bắc Jabaliya cũng chật kín sau khi những quả bom rơi gần đó. Máu ở khắp nơi và các nạn nhân thương vong do các cuộc đánh bom nằm tràn ra cả hành lang.
Tuy nhiên, nơi đây cũng đang phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 khi các biến thể xuất hiện và không ngừng lây lan. Vào tháng trước, số ca mắc Covid-19 hằng ngày ở dải Gaza đạt mức cao kỷ lục khi có tổng cộng hơn 105.700 người mắc bệnh và 976 người tử vong.
Giới quan sát đánh giá, việc phải hứng chịu các đợt tấn công quân sự kéo dài cùng cơ sở hạ tầng y tế thiếu hụt trầm trọng do lệnh phong tỏa từ Israel và Ai Cập được áp đặt trong gần 14 năm đã đẩy hệ thống y tế công cộng tại dải Gaza vào tình trạng mỏng manh hơn bao giờ hết. Các bệnh viện tại đây thiếu thiết bị và vật tư y tế quan trọng như túi máu, đèn phẫu thuật, thuốc gây mê, kháng sinh, thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở và bình oxy.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tại nơi đây cũng phải chịu thêm những thách thức do Nhà máy điện Gaza đóng cửa kể từ ngày 18/8/2020, sau khi chính quyền Israel cấm nhập khẩu các nhiên liệu cần thiết để vận hành nhà máy. Tiến sĩ Nabil al-Barqouni, Tổng giám đốc Mạng lưới các nhà trẻ ở Gaza, cảnh báo tình trạng mất điện liên tục và sử dụng các nguồn điện thay thế sẽ gây hư hỏng các thiết bị như máy hô hấp và máy thở cho trẻ sơ sinh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ sơ sinh và có thể gây ra các biến chứng có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay tại dải Gaza chỉ có 15 giường chăm điều trị tích cực và các bác sĩ có chuyên môn. Theo Sacha Bootsma, Giám đốc của WHO tại Dải Gaza cho biết, các cuộc không kích đã khiến hàng chục trung tâm y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đóng cửa. Trong tuần này, giới chức chỉ thực hiện được khoảng 300 xét nghiệm SARS-CoV-2/ngày, so với 3.000 xét nghiệm/ngày trước khi xảy ra cuộc không kích.
Chính vì vậy, Trung tâm Nhân quyền Palestine (PCHR) đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình hình chăm sóc sức khỏe ở Dải Gaza và cảnh báo khu vực này sẽ rơi vào khủng hoảng chăm sóc sức khỏe nếu dịch Covid-19 bùng phát triên diện rộng. Dải Gaza đã phải chờ đợi nhiều tháng để nhận được một lô vaccine hạn chế từ chương trình COVAX. Dự kiến, những liều vaccine đó sẽ hết hạn trong vài tuần tới và sẽ phải vứt bỏ, điều này tác động rất lớn đến khả năng huy động vaccine bổ sung của Dải Gaza trong tương lai.
Nguy hiểm hơn, điều này cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh tại châu Á khi nhiều điểm nóng Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Trước tình hình hiện nay, quốc tế tiếp tục kêu gọi các bên ngừng bắn đồng thời hỗ trợ nhân đạo cho người dân Gaza. Mỹ, Ma Rốc cũng đang chuyển hàng viện trợ đến cho người dân Palestine tại Gaza. Tuy nhiên sự hỗ trợ này chỉ là tạm thời, trong khi người dân Gaza vẫn đang cần sự viện trợ thuốc men và các vật tư y tế khác để chữa trị cho người dân, cũng như ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Có thể bạn quan tâm