Mặc dù đã có chính sách di dời và được cấp đất xây dựng hạ tầng mới, tuy nhiên, trường Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng bãi xe kết hợp giảng đường trên cơ sở cũ vốn đã quá tải…
Thời gian vừa qua, dư luận đặc biệt quan ngại khi trong khuôn viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục mọc lên những công trình mới dù đơn vị này đang nằm trong diện phải di dời và đã được cấp đất tiến hành xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội), nhằm giảm tải hạ tầng, ùn tắc giao thông tại trung tâm Thành phố. Thế nhưng, thay vì tập trung xây dựng, đảm bảo ổn định cơ sở mới theo đúng kế hoạch đề ra, hàng nghìn héc ta đất trường Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp vẫn đang rơi vào tình trạng hoang hóa, ì ạch, chậm tiến độ.
Theo ghi nhận của PV, tại khuôn viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tọa lạc ở số 144, đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, hàng loạt những công trình “khủng” được mọc lên, đơn cử như: công trình của Khoa Y dược ở mặt đường Phạm Văn Đồng; công trình Bãi đỗ xe kết hợp nhà làm việc và giảng đường nằm sát Trường Đại học Công nghệ… khiến không gian xanh ngày một bị thu hẹp.
Trong khi đó, trái ngược với những áp lực quá tải tại số 144, đường Xuân Thủy, cơ sở mới được Nhà nước giao đất cho trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội có diện tích lên tới 1.113,7 héc ta với tổng mức đầu tư tại thời điểm đó là hơn 25.000 tỷ đồng lại vẫn đang dang dở và liên tục lỗi hẹn về tiến độ thi công.
Đáng nói, theo nguồn tin của PV, các công trình bãi đỗ xe kết hợp nhà làm việc và giảng đường mà trường Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư là 14,9 tỷ đồng.
Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt năm 2002, với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Ðông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh.
Về tiến độ, dự án được thực hiện trong 13 năm (2013-2025), phân thành 3 giai đoạn: Giai đoạn I từ 2014-2016, giai đoạn II 2017-2020, giai đoạn III 2021-2025. Tuy nhiên, sau 17 năm khởi công (từ tháng 12/2003), tới nay Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc mới hoàn thành được một số hạng mục, nguyên nhân của sự chậm trễ này được chỉ ra do không được bố trí đủ vốn.
Trong khi đó, lại đổ tiền vào những công trình, hạ tầng vào cơ sở đã quá tải và thuộc diện phải di dời, khiến dư luận hoài nghi, liệu Đại học Quốc gia Hà Nội có đang đi ngược chủ trương?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 24-29/8: “Đất vàng” - Vì đâu vẫn mãi một điệp khúc… “bỏ hoang”?
15:00, 30/08/2020
Đấu giá “đất vàng” trung tâm TP Hà Tĩnh nhiều năm bỏ hoang
09:24, 12/08/2020
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh của DĐDN về dự án “treo”, “bỏ hoang” tại Hà Nội
18:58, 27/08/2020
Những “bàn tay che bầu trời” Lạng Sơn (Kỳ 2): Ai “phổ nhạc” cho “điệp khúc sai phạm” của Công ty Hà Sơn?
04:30, 29/08/2020