Văn hóa kinh doanh của Việt Nam là văn hóa của đội ngũ Doanh nhân Việt, và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, lớn hơn là nền kinh tế của đất nước.
Tại phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 ông Trần Bá Dương Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn THACO đã nêu khái niệm, văn hóa kinh doanh là hệ thống các giá trị về vật chất và tinh thần do chủ thể kinh doanh tạo nên qua ứng xử trong môi trường kinh doanh; là nội tại doanh nghiệp và thị trường với nền kinh tế xã hội. Trong đó, chủ thể kinh doanh là tổ chức thực hiện công việc kinh doanh được gọi là doanh nghiệp; và các nhân sự điều hành được gọi là doanh nhân.
Như vậy, ông Dương cho biết, “văn hóa kinh doanh có được xuất phát từ nền tảng của triết lý xuyên suốt gắn liền với văn hóa của doanh nhân, doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh chung, có tính kế thừa của một đất nước”. Việc xây dựng văn hóa kinh doanh và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam là hai công cuộc đồng bộ và bổ trợ cho nhau. Văn hóa kinh doanh là kim chỉ nam cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân là tác nhân hình thành nên văn hóa doanh nhân.
Văn hóa doanh nhân là kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, kế thừa và phát huy các đức tính tốt đẹp của cha ông ta về đạo làm người nói chung và đạo đức trong kinh doanh như đề cao sự trung thực, chữ tín và cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, ông Dương nhận định, trong bối cảnh hội nhập thế giới, cộng đồng doanh nhân Việt Nam có thể học hỏi và phát huy bản lĩnh và tinh thần cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài của các bậc tiền bối.
Trong quá khứ, tinh thần yêu nước của doanh nhân Việt Nam cũng được thể hiện mạnh mẽ trong lịch sử qua việc hưởng ứng lời kêu gọi Tuần lễ vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau khi giành được độc lập vào năm 1945. Đặc biệt, trong năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và toàn cầu, đặc biệt là tình trạng phong tỏa dài ngày ở các tỉnh thành trong cả nước.
Trong tình hình đó, đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam đã chung tay, đồng hành cùng các cấp chính quyền phòng chống dịch bằng nhiều hoạt động dấn thân và đóng góp tài chính rất lớn. Cùng với đó là những nỗ lực để duy trì sản xuất, giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động đã góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái nhbình thường mới, giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước năm 2021.
“Những hành động và ứng xử trên chính là biểu hiện sinh động và rõ nét về sự tiếp nối tinh thần của cha ông và thể hiện phẩm chất cống hiến hy sinh cho Tổ quốc cho đồng bào; đồng thời làm đậm nét hơn cho văn hóa của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”, ông Dương nhấn mạnh.
Phát triển đội ngũ doanh nhân và xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam với tầm nhìn hội nhập và khát vọng quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc là kế thừa khát vọng truyền thống của cha ông ta. Khát vọng này cần được tiếp nối bằng khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ dựng xây đất nước mà đội ngũ doanh nhân chúng ta phải thực hiện thông qua việc phát triển doanh nghiệp của mình và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển không ngừng…
Ông Dương cho rằng, đội ngũ doanh nhân cần nhận thức, văn hóa kinh doanh của Việt Nam là văn hóa của đội ngũ Doanh nhân Việt, và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, lớn hơn là nền kinh tế của đất nước. Cụ thể, VCCI ngay từ bây giờ chúng ta cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và thực hiện ngay kế hoạch xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam theo tinh thần của văn kiện đại hội là: “Nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam, vừa bao gồm các giá trị văn hoá tinh hoa của dân tộc, vừa kết hợp hài hoà các giá trị của văn hoá kinh doanh của thế giới, đem lại bản sắc và giá trị thiết thực cho doanh nhân, doanh nghiệp nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế… Gắn việc xây dựng văn hoá doanh nhân với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra...".
“Toàn thể hội viên VCCI hãy tự nguyện, tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh chính doanh nghiệp của mình xứng tầm với sự phát triển của đất nước, dựa trên những chuẩn mực khoa học, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn của doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới, cùng với những giải pháp cụ thể để bảo vệ uy tín của đội ngũ doanh nhân và giá trị của văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với xã hội và trên thế giới”, ông Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn THACO đề xuất, Đảng, Nhà nước có giải pháp thiết thực nhằm xây dựng nên hệ giá trị của văn hóa kinh doanh Việt Nam. Qua đó phát triển đội ngũ doanh nhân có tâm và có tầm thể hiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế và cũng là để thực hiện khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc của đất nước sớm thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Đã đến lúc doanh nghiệp cần xây dựng nền kinh tế xanh
09:18, 31/12/2021
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Cộng đồng doanh nghiệp tự hào đóng góp xây dựng vị thế mới của đất nước
09:02, 31/12/2021
Phiên trọng thể Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026
09:00, 31/12/2021
VCCI: Vì cộng đồng Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng
09:00, 31/12/2021