Đại hội XIII: Cần Thơ đề xuất các giải pháp phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp

Diendandoanhnghiep.vn Tại phiên thảo luận Đại hội XIII sáng nay (28/1), ông Lê Quang Mạnh - Bí thư thành ủy Cần Thơ đã đề xuất các định hướng giải pháp phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp

Ông Lê Quang Mạnh - Bí thư thành ủy Cần Thơ

Ông Lê Quang Mạnh - Bí thư thành ủy Cần Thơ

Ông Mạnh cho biết, nhìn lại lịch sử phát triển của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, từ giai đoạn 1975 - 1986 khi cả nước tập trung phục hồi kinh tế và thiếu lương thực, dịch rầy nâu hoành hành trên lúa ở các tỉnh, tạo ra bối cảnh rất khó khăn cho phát triển nông nghiệp, Nhà nước chủ trương ĐBSCL phải phát triển sản xuất lúa vì mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.

Các nhà khoa học từ các viện, trường trong và ngoài vùng ĐBSCL đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho cây lúa theo hướng tiếp cận đa ngành về lai tạo giống mới, cải tiến kỹ thuật canh tác; quản lý, sử dụng đất và nước, mở rộng diện tích, thâm canh và tăng vụ,… đã đem lại thành công rất lớn; từ quốc gia thiếu đói đã trở thành nước xuất khẩu gạo và tiếp tục tăng nhanh trong những năm qua.

Cụ thể, sản lượng lúa của Vùng đã tăng từ 19 triệu tấn năm 1989 lên khoảng 43 triệu tấn năm 2019, theo đó sản lượng gạo xuất khẩu tăng từ 1,3 triệu tấn lên 6,5 - 7 triệu tấn/năm đạt giá trị xuất khẩu từ khoảng 0,4 tỷ USD lên khoảng 3,2 - 3,5 tỷ USD/năm.

Tương tự, ngành kinh tế chủ lực thứ hai của Vùng là thủy sản cũng có sự phát triển nhanh nhờ tác động của KH-CN; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng nhanh từ 0,5 triệu tấn năm 1990 lên gần 3 triệu tấn năm 2020, đặc biệt là trong ngành hàng cá tra và tôm nước lợ.

Những thành tựu về nông nghiệp ngày nay là một quá trình phát triển  mà vai trò của khoa học - công nghệ (KH-CN) là rất quan trọng.

“Nông nghiệp của ĐBSCL liên tục đóng góp vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Vùng và cả nước, nhiều lần thực hiện được vai trò là trụ đỡ khi nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, dẫn đến tỷ trọng đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước ngày càng suy giảm, từ 27% (năm 1990) xuống còn 18% (năm 2020)”. -  Bí thư thành ủy Cần Thơ thông tin.

 Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ đạt 9,2 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu về lương thực sẽ tăng gần gấp đôi so với thời điểm hiện nay. Trong khi đó, tác động của biến đổi khí hậu đang làm cho các điều kiện tự nhiên phù hợp với canh tác nông nghiệp ngày càng suy giảm; thiên tai, dịch bệnh xuất hiện với tần suất ngày càng cao.

ĐBSCL được dự đoán sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng của Châu Á để cung cấp nông sản cho thế giới và ngành thủy sản của Vùng ĐBSCL đang có ưu thế cạnh tranh so với các khu vực khác. Theo ông Lê Quang Mạnh, để hiện thực hóa được tương lai này, cách tiếp cận là phải lấy bối cảnh thực tiễn của vùng và sự tiến bộ của KH-CN để làm nền tảng cho sự phát triển, cần phải có sự đột phá về tư duy và thể chế, tăng cường liên kết trong và ngoài vùng  và lấy mục tiêu phát triển vùng làm định hướng.

Đặc biệt, với ngành nông nghiệp thì Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nêu rõ quan điểm phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Khát vọng về phát triển kinh tế của ĐBSCL đòi hỏi phải dựa trên tiềm năng lợi thế về nông nghiệp của Vùng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Thời gian vừa qua, tăng trưởng của Vùng dựa chính vào sự mở rộng quy mô vốn đất đai và lực lượng lao động; Nhưng những nguồn lực tài nguyên quý giá này đã đến giới hạn của nó. Tăng trưởng trong tương lai sắp tới chỉ có thể dựa vào KH-CN để tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). 

Ông Lê Quang Mạnh - Bí thư thành ủy Cần Thơ 

Bí thư Thành uỷ Cần Thơ cho biết, Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng đồng bằng lớn nhất nước ta; dù thành phố Cần Thơ không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất Vùng; nhưng Cần Thơ là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm KH-CN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực.

Cần Thơ bước đầu đã thực hiện được vai trò trung tâm  vùng ĐBSCL về thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo và KH-CN. Với gần 92% tỷ trọng GRDP trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thời gian qua, Thành phố giữ vai trò quan trọng trong khâu sản xuất - chế biến và thương mại của các chuỗi giá trị nông sản chủ lực vùng ĐBSCL. Là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất vùng ĐBSCL; là nơi tập trung kết nối giữa nhu cầu thị trường (trong nước và xuất khẩu) với vùng sản xuất nguyên liệu.

Đây cũng là địa phương có điều kiện tốt nhất Vùng về tiềm năng KH-CN cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Với hệ thống đa dạng các trường đại học,  viện nghiên cứu (gồm 73 đơn vị, 7455 người có hoạt động nghiên cứu khoa học), trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp như Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL… với đội ngũ đông đảo cán bộ nghiên cứu về nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,...) và các lĩnh vực liên quan như công nghệ sinh học, công nghệ, công nghệ thông tin,...

Trong những năm gần đây, các sản phẩm, dịch vụ KH-CN của Cần Thơ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường Vùng ĐBSCL, của cả nước và một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài như: Thương mại hóa các hệ thống IoT giám sát chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản; Hệ thống giám sát - cảnh báo và điều khiển tự động môi trường trong nông nghiệp; Mô hình trồng rau hữu cơ; Mô hình nông trại dùng chung; Hệ thống điều khiển CO2 trong nhà kính; Hệ thống tưới nhỏ giọt; Thiết bị sấy ca cao bằng năng lượng mặt trời; Thiết bị cảm biến không dây phục vụ sản xuất nông nghiệp; Thiết bị điều khiển tưới từ xa trong nông nghiệp; Thiết bị giám sát và điều khiển đèn chiếu sáng qua mạng di động; Ứng dụng công nghệ plasma lạnh để xử lý nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản…

Tuy đạt được một số kết quả ban đầu như nêu trên, nhưngBí thư Thành uỷ Cần thơ Lê Quang Mạnh cho rằng,  tiềm lực KH-CN của ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng còn nhiều nút thắt phải tập trung tháo gỡ như Nghị quyết 120/NQ-CP đã nêu rõ “tỷ lệ ứng dụng KH-CN tiên tiến của Vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng chuyển dịch sang các địa phương khác”. Hạn chế trong phát triển KH-CN không chỉ là câu chuyện riêng của ĐBSCL. Đánh giá về vấn đề này, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ: “KH-CN chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trình độ KH-CN quốc gia  nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực”.

Điểm đáng mừng là xu hướng công nghệ toàn cầu và bối cảnh kinh tế - xã hội của Vùng đang xuất hiện những cơ hội mới để KH-CN về nông nghiệp tại Cần Thơ có thể vượt qua những nút thắt trước đây để bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn như:  Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiềm lực tăng trưởng kinh tế của cả nước (iii) làn sóng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, tiến độ sớm hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối khung của Vùng ĐBSCL.

Tranh thủ các cơ hội trên, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đạt được bước đầu cũng như  đứng trước yêu cầu phát triển của Vùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Cần Thơ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng phát triển cho Cần Thơ phải trở thành một trung tâm KH-CN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Vì sự phát triển của thành phố Cần Thơ không chỉ cho Cần Thơ mà còn phải “thể hiện vai trò trung tâm Vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong Vùng”.

Đại hội XIII của Đảng đã sang ngày làm việc thứ 3.

Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội.

Để làm được điều này, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ đề xuất các định hướng giải pháp phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp, như sau:

Thứ nhất, Thành phố phải tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung - tức là tiềm lực nghiên cứu, phát triển KH-CN của Thành phố và phía cầu KH-CN từ doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, đồng bộ với các giải pháp liên kết cung - cầu, phát triển thị trường KH-CN hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng  KH-CN. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân. Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng KH-CN không phải vì họ muốn vậy mà là họ bắt buộc phải làm vậy, nếu không đối thủ của họ sẽ đưa ra các sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và sẽ lấy đi thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Như vậy, thể chế phát triển, ứng dụng KH-CN cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranhgiữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.

Thứ ba, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH-CN của Thành phố (bên cung) với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp cho các Viện nghiên cứu khoa học, Trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở đầu tư theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ cho ĐBSCL, đặc biệt cho các Trường đại học, Viện nghiên cứu có thế mạnh về nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hay cùng đầu tư, tài trợ xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tầm quốc gia, khu vực tại thành phố Cần Thơ.

Thứ tư, thúc đẩy bên cầu đối với KH-CN, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động KH-CN; bao gồm các biện pháp khuyến khích người nông dân học tập và trở lên năng động hơn trong việc hấp thụ các sản phẩm KH-CN, khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh, áp dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp;  các chương trình xúc tiến, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của ĐBSCL, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Tăng mức hạn điền để người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn KH-CN trong sản xuất nông nghiệp. Thành phố chủ động đặt hàng các công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá cho phát triển thành phố, làm động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL.

Thứ năm, đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KH-CN thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn   đo lường chất lượng Cần Thơ,… nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, của người nông dân ĐBSCL. Tăng cường tỷ lệ ứng dụng KH-CN vào sản xuất, phát triển thêm các Vườn ươm Công nghệ, các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin… để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn. Mở rộng các hoạt động hợp tác, kết nối, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương trong Vùng. Phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái KH-CN bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản không chỉ trong phạm vi không gian của thành phố Cần Thơ mà là một hệ sinh thái KH-CN chung của cả Vùng ĐBSCL.

"Nhận thức rõ vai trò và vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, Thành ủy Cần Thơ đã và đang xây dựng các chủ trương, chính sách (như xác định khoa học, công nghệ là khâu đột phá, ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường ứng dụng KH-CN…) và định hướng để trở thành trung tâm tạo ra các giải pháp KH-CN trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của Vùng và cả nước." - Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nói.

Theo vị Bí thư này, mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi xin hứa với Đại hội, với Trung ương là sẽ quyết tâm giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân, tạo nên sức mạnh hơn nữa, phát huy ý chí và tinh thần tự lực tự cường, vươn tới nắm bắt mọi cơ hội, khai thác đúng mức tiềm lực, tiềm năng và lợi thế của địa phương để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đảng bộ thành phố Cần Thơ đề ra tại Đại hội vừa qua, góp phần tích cực nhất vào thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đại hội XIII: Cần Thơ đề xuất các giải pháp phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp tại chuyên mục Chính trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713570435 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713570435 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10