Do ghi nhận thêm chỉ tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc loại trừ khoản dự phòng đầu tư vào công ty con, DTL lỗ thêm 18 tỷ đồng sau soát xét.
>>>Kiến nghị dựng “hàng rào kỹ thuật” để bảo vệ ngành thép: Chuyên gia nói gì?
Cụ thể, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của Công ty CP Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL) ghi nhận đạt 1.005 tỷ đồng, không thay đổi so với báo cáo tự lập, tăng 58% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu, nên doanh nghiệp lỗ gộp 11 tỷ đồng, con số này cũng không thay đổi so với báo cáo tự lập.
Trên báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm, các chi phí của DTL như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí lãi vay không thay đổi so với báo cáo tự lập. Duy nhất chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét ghi nhận 11 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng, tương ứng với tăng 4% so với báo cáo tự lập và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp lỗ 111 tỷ đồng, tương ứng lỗ thêm gần 18 tỷ đồng so với trước soát xét. Trong khi, cùng kỳ năm trước doanh nghiệp lãi ròng 33 tỷ đồng.
Theo giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân có sự chênh lệch trên là do khi thực hiện soát xét báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023, kiểm toán viên đã ghi nhận thêm chỉ tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc loại trừ khoản dự phòng đầu tư vào công ty con.
Đồng thời, kiểm toán viên đưa ra một số bút toán điều chỉnh cho phù hợp với quy định. Sự điều chỉnh này làm thay đổi một số chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán làm lãi sau thuế giảm như trên.
Năm 2023, DTL đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ xuất khẩu là 1,5 triệu USD. Lợi nhuận sau thuế chỉ 4 tỷ đồng. Với kết quả lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành tôn mạ này khó có thể hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận của năm nay.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng đánh giá, năm 2023, thị trường tôn mạ trong nước đang có sự cạnh tranh gay gắt, do một số nhà máy mới đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất đã ra sản phẩm với chất lượng và giá cả rất cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nhân sự có trình độ, kinh nghiệm quản lý trong sản xuất hiện nay vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu tại các dây chuyền. Do đó, ảnh hưởng ít nhiều đến việc xử lý khi có sự cố xảy ra.
Trong báo cáo cập nhập ngành tôn mạ mới đây, Chứng khoán SSI cũng cảnh báo biên lợi nhuận của ngành tôn mạ có thể giảm trong quý III/2023, khi giá HRC đã giảm mạnh.
Theo SSI, điều này là do giá xuất khẩu bình quân trong quý III có thể thấp hơn so với quý trước do giá thép cuộn cán nóng (HRC) ở hầu hết các thị trường đã điều chỉnh giảm khoảng 20% kể từ mức đỉnh so với đầu năm vào tháng 3.
SSI lưu ý rằng, mặc dù giá bình quân của Trung Quốc và Việt Nam gần đây phục hồi khoảng 4% trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, giá HRC ở thị trường Mỹ và châu Âu lại liên tục giảm.
“Khoảng cách giữa giá HRC tại Mỹ, châu Âu và Việt Nam theo USD đang thu hẹp khoảng từ 350 - 700 USD lấn vào cuối tháng 4, xuống còn 140 - 340 USD/tấn như hiện tại. Điều này, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận kênh xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành tôm mạ trong thời gian tới”, SSI nhận định.
Ngoài ra, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc, với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 51,2 triệu tấn, nhờ lượng thép tồn kho của Trung Quốc tăng và đồng Nhân dân tệ suy yếu.
Có thể bạn quan tâm
Kiến nghị dựng “hàng rào kỹ thuật” để bảo vệ ngành thép: Chuyên gia nói gì?
11:00, 06/08/2023
Tiêu thụ khó khăn, thêm hai doanh nghiệp ngành thép lỗ đậm
16:00, 30/07/2023
Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó
11:30, 23/07/2023
Cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước
03:00, 14/07/2023
Giải pháp nào bảo vệ ngành thép trong nước?
03:00, 09/07/2023