Kinh tế địa phương

Đắk Glong tạo bước đột phá trong thách thức

Nguyễn Vũ 19/12/2024 21:28

Năm 2024, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, đồng hành cùng doanh nghiệp góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

558ad7b7939b29c5708a.jpg
UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2774/QĐ-UBND về việc kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện.

Trước những khó khăn khách quan và chủ quan, năm 2024, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, đồng hành cùng doanh nghiệp góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông), năm 2024 tình hình kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, tác động đến tình hình kinh tế trong nước. Đây cũng là một nhân tố bất lợi đối với nền kinh tế của tỉnh cũng như huyện Đắk Glong.

“Bắt mạch” thách thức

Cụ thể, việc giải ngân của huyện gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện do một số dự án nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn nhiều khó khăn do Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ và UBND tỉnh chưa ban hành Quyết định quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Mặt khác, các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện giải ngân vốn 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia của huyện đến nay còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Thêm vào đó, nông nghiệp của huyện chủ yếu dựa vào cây trồng truyền thống, chưa phát triển mạnh mẽ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hay các chuỗi giá trị liên kết sản xuất – tiêu thụ.

Du lịch của huyện chưa phát triển tương xứng tiềm năng do thiếu các cơ sở hạ tầng du lịch. Hạ tầng cơ sở giao thông ở một số nơi trên địa bàn còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, tiếp cận thị trường.

“Đặc biệt, công tác cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số, thực thi công vụ ở một số bộ phận cán bộ, công chức còn chưa nghiêm, sự phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết các tranh chấp đất đai còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở dữ liệu đất đai chưa đồng bộ”, ông Thuần nói.

Đồng bộ các giải pháp

Để khắc phục những khó khăn trên, ông Thuần cho biết, huyện đã đẩy nhanh xây dựng quy hoạch huyện gắn với quy hoạch tỉnh, vùng; đồng thời chủ động phối hợp xử lý, tháo gỡ liên quan quy hoạch bô xít: Căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND huyện định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm cho sự phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; phát triển bền vững.

Cùng với đó, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch vùng Tây Nguyên. Đồng thời, thường xuyên chủ động đề xuất ý kiến và bám sát ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành TƯ, tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít.

Đặc biệt, huyện huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng...; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Huyện phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, làm cơ sở để hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn, chất lượng (liên kết người nông dân, thành lập các tổ hợp tác, HTX,...) nhằm huy động nguồn lực, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, tập trung phát triển cây trồng có lợi thế, như: Cà phê, hồ tiêu..., sầu riêng, bơ, chanh dây...; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Bên cạnh đó, khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Ngoài ra, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2025 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện; kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

Điều đáng nói, huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, HTX như: cà phê doanh nhân, hội nghị,… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn huyện. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2774/QĐ-UBND về việc kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện. Theo đó, mỗi phòng ban có thẩm quyền giải quyết TTHC sẽ cử một cán bộ, công chức, viên chức phụ trách trực tiếp tiếp nhận và thẩm định hồ sơ tại bộ phận một cửa để đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

“Huyện tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; công khai đường dây nóng để doanh nghiệp và người dân có thể phản ánh ý kiến, phê bình về thái độ, chất lượng phục vụ của các cơ quan chức năng”, ông Thuần khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đắk Glong tạo bước đột phá trong thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO