Kinh tế địa phương

Đắk Lắk tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã bằng giải pháp cụ thể

Tuấn Vỹ 31/08/2024 09:59

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đã xác định các nhóm giải pháp cần triển khai sớm để các đơn vị được “tiếp sức”, từng bước ổn định sản xuất và phát triển.

Theo ghi nhận, mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội của Đắk Lắk tiếp tục duy trì phát triển, quy mô nền kinh tế duy trì ở mức khá (giá trị GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên), các ngành, khu vực kinh tế đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 (GRDP- giá so sánh năm 2010) ước đạt 25.493 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, trong 8 tháng đầu năm 2024 có 935 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn điều lệ đăng ký trên 6.723 tỷ đồng, giảm 24,52%. Đồng thời, có 250 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động, giảm 17,76% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh có 12.983 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 11.978 doanh nghiệp và 1.005 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh.

1e8497159f6e3830617f.jpg
Tỉnh Đắk Lắk chú trọng lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, hợp tác xã để tìm phương án hỗ trợ “sớm, đúng, trúng”.

Theo kế hoạch thường niên, ngày 30/8 UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị đôi thoại doanh nghiệp, hợp tác xã để lắng nghe ý kiến từ các đơn vị. Sự có mặt đầy đủ của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, những khúc mắc của cộng đồng doanh nghiệp được giải đáp và tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới.

Ông Võ Ngọc Tuyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho hay mặc dù Chính phủ và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023, toàn tỉnh có 853 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 18% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, vốn điều lệ đăng ký của các doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 đã cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn khó khăn như hiện nay.

Ngoài doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm có 47 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, bằng 78,33% kế hoạch năm 2024. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 829 HTX và 05 Liên hiệp HTX đã đăng ký, trong đó có 655 HTX và 03 Liên hiệp HTX đang hoạt động, 174 HTX và 02 Liên hiệp HTX ngừng hoạt động.

“Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện và thường xuyên nắm bắt hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong 8 tháng đầu năm, có 134 nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó 06 nhà đầu tư nước ngoài, 87 nhà đầu tư trong nước. UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư 2.894,04 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh 22 quyết định chủ trương đầu tư, trong đó một số dự án có điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 299,9 tỷ đồng lên 588,6 tỷ đồng”, ông Võ Ngọc Tuyên cho hay.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời, địa phương cũng chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ phát triển kinh doanh, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp thông qua các gói vay, ưu đãi,...

daklak.jpg
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk chủ động lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp và đưa ra giải pháp cụ thể.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Hội doanh nghiệp trên địa bàn nghiên cứu, tổ chức các mô hình đối thoại doanh nghiệp định kỳ cấp huyện như “Cà phê doanh nhân”, “Hội nghị đối thoại doanh nghiệp” để cùng đồng hành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn. Định kỳ 01 tháng/lần, UBND tỉnh tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân doanh nghiệp để gặp gỡ, nắm bắt và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 8 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức 05 buổi gặp mặt doanh nhân, doanh nghiệp với các chủ đề liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Tuyên, vẫn còn một số khó khăn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, HTX do ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn do giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; khó khăn về tài chính, thị trường quốc tế bị thu hẹp. Ngoài ra, những vấn đề hạn chế nội tại của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân chính cản trở sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp thấp, chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Hệ thống dây chuyền sản xuất, kỹ thuật khoa học công nghệ của các doanh nghiệp, HTX còn lạc hậu, chưa đủ năng lực để đầu tư công nghệ mới, công nghệ cao, từ đó chưa đủ năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh các thị trường lớn, chưa đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, kỹ năng, tay nghề của người lao động còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trình độ quản lý của người đứng đầu doanh nghiệp, HTX chủ yếu tích lũy từ kinh nghiệm thực tiễn, chỉ có một số ít được đào tạo qua trường lớp chính quy về quản trị doanh nghiệp hay quản lý về kinh tế,...

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là tăng cường trách nhiệm, tính chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

“Cần phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”, ông Hà nhấn mạnh.

Tiếp đến, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Đồng thời, nâng cao nhận thức và hành động của công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị về thực hiện chủ trương Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu tăng cường sự phối hợp với các Hội doanh nghiệp để tổ chức thường xuyên hơn công tác gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư. Song song, phối hợp tham mưu triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; thường xuyên rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết ngay những khó khăn chủ yếu doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, nhất là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật,…

“Tăng cường rà soát, đối chiếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Sở, ngành, địa phương và chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên, kiểm toán nhà nước để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp phải chấp hành nhiều hơn 01 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm. Tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lưu ý.

Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, các Hội ngành nghề,... cũng được giao nhiệm vụ nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh, trực tiếp đề xuất với UBND tỉnh hoặc thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, kịp thời tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đắk Lắk tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã bằng giải pháp cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO