Kinh tế địa phương

Đắk Nông “cất cánh” từ quy hoạch và dự án cao tốc

Minh Nguyên 08/10/2024 15:35

Việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành triển khai sẽ tạo sức hút các nhà đầu tư

Anh 1
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến

Quy hoạch mới mở ra nhiều cơ hội phát triển

Theo đánh giá của các chuyên gia, Đắk Nông có nhiều tiềm năng lợi thế nổi bật để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ,…Đáng chú ý, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông.

Từ quy hoạch sẽ tạo động lực để Đắk Nông phát triển khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển".

Trong đó, Thành phố Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ của tỉnh; là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên. Ba cực động lực tăng trưởng, gồm cực động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R’Lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê, với hạt nhân trung tâm là đô thị Gia Nghĩa. Cực động lực phía Bắc hình thành từ đô thị hạt nhân Ea T'ling (huyện Cư Jút) và đô thị Đắk Mâm (huyện Krông Nô). Cực động lực phía Tây Bắc chạy dọc hành lang kinh tế biên giới với hạt nhân trung tâm là đô thị Đắk Mil và đô thị Đức An (huyện Đắk Song), đô thị Đắk Búk So (huyện Tuy Đức)…

tadung-9314-1694257090.jpeg
Hồ Tà Đùng - "Vịnh Hạ Long ở Tây Nguyên" của Đăk Nông.

Trao đổi với DĐDN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, Lê Văn Chiến cho biết, Quy hoạch tỉnh xác định 03 đột phá phát triển của tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; trong đó, trụ cột công nghiệp sẽ đầu tư các tổ hợp Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, 3, 4, 5, gắn với các cụm mỏ khai thác bô xít, hoàn thổ, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn.

Việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển các nguồn điện tự sản, tự tiêu. Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được tỉnhquy hoạch, gồm 07 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp.

Đối với nông nghiệp, tỉnh xác định phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đó, sẽ hình thành 25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung với diện tích trên 10.000 ha; xây dựng 19 vùng, khu khuyến khích phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung với diện tích trên 4.500 ha. Ưu tiên đầu tư các dự án chế biến sâu nông sản công nghệ cao, kho dự trữ, bảo quản thành phẩm…

Đối với du lịch, tỉnhxác định phát triển 04 cụm du lịch trọng điểm; Phát triển khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia, tạo thành đột phá, động lực để phát triển du lịch toàn tỉnh; Thu hút đầu tư phát triển các dự án khu, điểm du lịch tiềm năng, như: Tổ hợp, khu du lịch Quảng Khê; Tổ hợp, khu du lịch Liêng Nung; Tổ hợp đô thị, du lịch sinh thái hồ Đắk R’tih; Tổ hợp khách sạn, thương mại tại Gia Nghĩa;...

“Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành Trung ương triển khai công tác tổ chức quản lý, thực hiện Quy hoạch tỉnh hiệu quả; hướng dẫn các địa phương triển khai, lập quy hoạch huyện và quy hoạch đô thị. Sau khi cấp huyện hoàn thiện sẽ tiến tới lập quy hoạch các xã, quy hoạch phân khu và cuối cùng là quy hoạch chi tiết. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, tham mưu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội, nguồn lực trong doanh nghiệp và nguồn lực trong Nhân dân để phục vụ cho phát triển” , ông Chiến chia sẻ.

Cao tốc Gia Nghĩa -Chơn Thành “Cánh cửa” Đắk Nông phát triển

Đối với hạ tầng giao thông, ông Chiến cho rằng, điểm tạo bước đột phá Đắk Nông là Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài khoảng 128,8 km, với tổng mức đầu tư là 25.540 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.111 ha. Dự án với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, dự kiến hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

caotocjpeg-1720022954613795265913.jpeg
Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa- Chơn Thành giai đoạn phân kỳ đầu tư với chiều dài 128,8 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh

Đây là dự án cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ ChíMinh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ…

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng phối hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C, Quốc lộ 28 qua địa bàn tỉnh; xây dựng đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước) theo tiến trình quy hoạch đã được phê duyệt...

“Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, cùng với những dự án giao thông trọng điểm khác được đầu tư, sẽ giúp Đắk Nông “Cất cánh”, bởi hiện nay, trên 90% sản phẩm nông nghiệp ở Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung đều xuất về các cảng ở Thành phố Hồ ChíMinh. Giao thông đi trước mở đường sẽ tạo bước ngoặt quan trọng giúp Đắk Nông thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh”, ông Chiến khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đắk Nông “cất cánh” từ quy hoạch và dự án cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO