Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2025 đạt 9,1%, thấp hơn so với trung bình chung toàn ngành (9,9%), song có nhiều điểm sáng tích cực.
Đánh giá về hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - một trong những tỉnh đông dân cư, phát triển mạnh về Khu chế xuất, Khu công nghiệp và gắn liền với hoạt động sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo, thu hút FDI mạnh mẽ..., ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực cho biết, kết quả kinh doanh của các NHTM trên địa bàn đạt được, với những chỉ tiêu chủ yếu sau:
Thứ nhất, các hoạt động ngân hàng chủ yếu, dịch vụ ngân hàng truyền thống vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó tổng tiền gửi tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn đạt 452 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm; tiền gửi không kỳ hạn tăng 8,2% so với cuối năm và chiếm 26,7% trong tổng tiền gửi của các NHTM trên địa bàn; tổng dư nợ tín dụng đạt: 577,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm.
Tăng trưởng huy động vốn trên địa bàn, cùng với các nguồn vốn khác, theo đó, góp phần đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ghi nhận từ NHNN Khu vực phụ trách địa bàn Đồng Nai (gồm Đồng Nai + Bình Phước cũ) cho thấy, tiền gửi tiết kiệm dân cư tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt khoảng trên 234 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 51% tổng tiền gửi trên địa bàn. Đây là bộ phận tiền gửi chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tiền gửi (cao hơn bộ phận tiền gửi của tổ chức kinh tế & cá nhân và TCTD phát hành giấy tờ có giá). Yếu tố này đã và đang hỗ trợ điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, nhất là các nhu cầu vốn trung dài hạn, để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội.
Thứ hai, duy trì kết quả kinh doanh và chất lượng tín dụng. Theo đó, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%; kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt bằng khoảng 50% so với cả năm 2024 và tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Trước đó, số liệu NHNN ghi nhận đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (mới) và tỉnh Đồng Nai (mới) đạt trên 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 6,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 30,8% so với tổng dư nợ tín dụng toàn ngành. Riêng tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng 9,1% như nêu trên; còn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng 5,98%.
Thứ ba, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, các hoạt động dịch vụ ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, mở rộng và phát triển. Dịch vụ tài khoản tiếp tục phát triển gắn liền với những tiện ích mang lại từ sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như: dịch vụ thẻ; dịch vụ: internetbanking; mobilebanking; ví điện tử; thanh toán qua mã QR…
Thứ tư, chính sách tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng hiệu quả, thị trường tiền tệ ổn định. Trong đó các công cụ chính sách và giải pháp quản lý tiếp tục được phát huy. Riêng khối NHTM nhà nước & cổ phần nhà nước tiếp tục có tổng dư nợ tín dụng chiếm tỷ trọng cao nhất so với các khối NHTM khác, chiếm khoảng gần 50% thị phần và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.
Kết quả này, cùng với sự tăng trưởng tín dụng của các định chế tài chính khác (NHTMCP; Liên doanh, nước ngoài; QTDND; Công ty tài chính) trên địa bàn, sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trên địa bàn phát triển, bởi sự phù hợp về quy mô, loại hình sở hữu và kinh tế nhiều thành phần (Doanh nghiệp nhà nước; công ty cổ phần; Doanh nghiệp FDI; kinh tế hộ và HTX) tại tỉnh Đồng nai, với tiềm năng phát triển rất lớn trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.
Đây là những kết quả đạt được quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2025, không chỉ đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững, mà còn phản ánh hiệu quả cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đồng thời, đây cũng là cơ sở nền tảng để ngành ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương, thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong những tháng còn lại của năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số theo định hướng đề ra.
Trong đó, tiếp tục làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, với nội hàm thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN về cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực (nông nghiệp & phát triển nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); giải ngân gói tín dụng lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp; cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay nhà ở xã hội và gói tín dụng nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi; cho vay đối tượng chính sách qua NHCSXH… và tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động tín dụng; hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN; cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh để mở rộng và phát triển, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất tối đa 4%/năm cho khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng, thấp hơn đáng kể so với thị trường. Các ngành ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, lâm sản, thủy sản được hưởng lãi suất thấp hơn 1 - 2% so với mức trung bình, giúp giảm gánh nặng tài chính.
Thực hiện theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị có yêu cầu đổi mới phương thức cho vay, như dựa trên dòng tiền hoặc tín chấp, đồng thời ứng dụng công nghệ số để đơn giản hóa quy trình, theo Lãnh đạo NHNN, phối hợp đẩy mạnh cơ chế chia sẻ thông tin giữa hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo thống nhất dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh làm cơ sở tăng cường cho vay đối với SMEs và hộ kinh doanh. Trên cơ sở này, SMEs sẽ thuận lợi hơn trong tiếp vốn kinh doanh để tăng trưởng và phát triển, khi được ngân hàng thẩm định hồ sơ nhanh chóng, đơn giản. Mặt khác, các NHTM cũng tiếp tục đảm bảo được chất lượng tín dụng, đạt hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng như mục tiêu đề ra.