Doanh nghiệp nhà nước: Chưa tách bạch quyền chủ sở hữu với quyền của doanh nghiệp

ĐỖ HUYỀN 11/02/2021 04:10

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc thị trường”.

Trong đó, báo cáo của CIEM nhấn mạnh tình trạng giám sát của Nhà nước còn thụ động hoặc chỉ thực thi quyền sở hữu từ xa có thể làm suy yếu động cơ của các DNNN và cán bộ trong doanh nghiệp trong việc hành động vì lợi ích tốt nhất của doanh nghiệp và người dân - cổ đông thực sự của doanh nghiệp và làm tăng khả năng hành động vì lợi ích cá nhân của cán bộ trong doanh nghiệp.

Vấn đề cũng có thể phát sinh khi DNNN phải thực hiện mục tiêu kép, bao gồm thực hiện các hoạt động kinh tế và đáp ứng vai trò mục tiêu chính sách công.

Ở Việt Nam, vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường.

Ở Việt Nam, vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường.

Khoảng cách lớn

Đặc biệt, Báo cáo lưu ý: “Ở Việt Nam, vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước  theo nguyên tắc thị trường”.

Lấy dẫn chứng cụ thể cho vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu Cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM lấy ví dụ về chuyện tiền lương và bổ nhiệm người quản lý, ở doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý công ty phải được quy hoạch cho chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ; hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương với chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.

Để được đưa vào quy hoạch, họ phải đáp ứng nhiều điều kiện hành chính Nhà nước, không thực sự phù hợp với các đối tượng là chuyên gia bên ngoài hệ thống Nhà nước.

Hay như chuyện mua bán tài sản, DNNN cũng chưa được chủ động quyết định đầu tư mua bán tài sản và đầu tư các dự án lớn mà phải qua một chu trình phức tạp, mất nhiều thời gian trình chủ sở hữu là cơ quan Nhà nước phê duyệt. Trong khi đó, hiệu quả thực thi trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu còn hạn chế.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từng chia sẻ, DNNN phải tuân thủ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, trước khi biểu quyết tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền hội đồng quản trị (HĐQT), người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải xin ý kiến chủ sở hữu, sau đó triệu tập HÐQT họp để biểu quyết, thông qua nghị quyết làm cơ sở cho cơ quan điều hành triển khai thực hiện. Thời gian chờ chủ sở hữu trả lời thường không cố định, có thể là một hoặc hai tháng.

Trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc chờ cơ quan chủ quản có ý kiến chỉ đạo là đương nhiên. Nhưng từ năm 2015, Vinatex trở thành công ty cổ phần với 48% vốn điều lệ thuộc về cổ đông ngoài nhà nước cho nên quy trình này sẽ làm khó cho tập đoàn…”, ông Trường nhấn mạnh. 

Phải tách bạch nhiệm vụ chính trị với hoạt động kinh doanh

Về phần mình, ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, DNNN vẫn chưa được trao quyền tự chủ thực chất và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Chúng ta vẫn đang có sự “lầm lẫn” giữa quyền của chủ sở hữu (quản lý nhà nước) với quyền của doanh nghiệp. 

"Chủ sở hữu là sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp, còn tài sản của doanh nghiệp là thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Chủ sở hữu có quyền tham gia vào các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp (như chiến lược phát triển, định hướng phát triển và giao mục tiêu nhiệm vụ, chỉ tiêu cho doanh nghiệp còn quyền sử dụng tài sản như thế nào (bán hay cho thuê…)  là thuộc về doanh nghiệp. Thế nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước còn tham gia quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN", ông Cung nhấn mạnh.

Để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong thời gian tới, nhiều chuyên gia nhấn mạnh yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của DNNN. Doanh nghiệp nhà nước cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.

Báo cáo tài chính năm của DNNN phải được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự minh bạch liên quan đến kết quả tài chính và phi tài chính của DNNN chính là chìa khóa cho việc tăng cường trách nhiệm của HĐQT và ban điều hành của DNNN.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, giảm ưu tiên, ưu đãi và lợi thế thực tế của DNNN trong tiếp cận tài chính; xác định rõ và phân tách chi phí thực hiện nhiệm vụ công ích với hoạt động kinh doanh; giám sát và kiểm soát rủi ro tài chính cũng như gánh nặng ngân sách tiềm năng của DNNN đối với nền kinh tế; thiết lập cơ chế ràng buộc giữa nhiệm vụ với ngân sách thực hiện, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước…

Ở chiều ngược lại, cần tách bạch rõ ràng nhiệm vụ chính trị, xã hội của DNNN, tránh can thiệp hoặc áp đặt DNNN phải thực hiện quá nhiều mục tiêu và nhiệm vụ phi thị trường, phi kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 1-6/2: Tại sao doanh nghiệp nhà nước chưa có đầy đủ quyền tự chủ để hoạt động theo cơ chế thị trường?

    15:00, 07/02/2021

  • Tại sao doanh nghiệp nhà nước chưa có đầy đủ quyền tự chủ để hoạt động theo cơ chế thị trường?

    11:00, 02/02/2021

  • Nhà đầu tư săn mua cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn

    06:00, 14/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp nhà nước: Chưa tách bạch quyền chủ sở hữu với quyền của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO