Đằng sau việc tính lại GDP

Nguyễn Minh Phong - Phó Vụ trưởng-Phó Ban tuyên truyền lý luận-Báo Nhân Dân; ThS. Nguyễn Trần Minh Trí - Viện KT&CTTG-Viện HLKHXHVN 03/11/2019 05:00

GDP có tính tương đối và có tính “mở” chứ không bất biến, tùy thuộc vào sự phát triển nền kinh tế, phương pháp và cơ sở dữ liệu tính toán quan sát được.

Tính GDP chính xác hơn là yêu cầu đương nhiên của bất kỳ nền kinh tế nào nhằm phục vụ quản lý kinh tế nhà nước sát hợp hơn. Hơn nữa, việc tính đúng, tính đủ GDP đó còn là sự đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch hóa nền kinh tế và bảo đảm sự công bằng xã hội …

Sự quan ngại về việc tăng thuế hay tăng nợ quốc gia khi tăng GDP không phải là không có cơ sở, nhưng hoàn toàn không phải là hệ quả trực tiếp của việc tính đúng, tính đủ GDP…

Nâng cao chất lượng số liệu

Cơ quan Thống kê LHQ (UNSD) đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức theo quý, năm hoặc định kỳ:

Vòng 1. Đánh giá lại số liệu quý: Xử lý những thay đổi về số liệu ước tính, số sơ bộ khi có đầy đủ thông tin hơn của kỳ báo cáo.

Vòng 2. Đánh giá lại số liệu hàng năm: Xử lý những chênh lệch giữa số liệu quý và số liệu năm đối với số liệu ước tính, số sơ bộ và số chính thức.

Vòng 3. Đánh giá lại số liệu định kỳ: Xử lý các vấn đề lớn, không thể tiến hành thường xuyên như cập nhật nguồn thông tin, bổ sung phạm vi từ các cuộc tổng điều tra; thay đổi năm gốc; thay đổi khung lý thuyết; thay đổi các bảng phân ngành v.v…

Theo UNSD, vòng 1 và vòng 2 là những đánh giá lại mang tính ngắn hạn và được hầu hết các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP.

Vòng 3 là thực hiện việc điều chỉnh lớn, thường được triển khai theo các giai đoạn nhất định phụ thuộc vào kết quả tổng điều tra, nhu cầu cập nhật phương pháp luận mới, nhu cầu cập nhật gốc so sánh cũng như các bảng phân loại theo khuyến nghị của quốc tế.

Các thông tin từ các cuộc tổng điều tra sẽ được dùng làm căn cứ để đánh giá lại số liệu do chúng có tính toàn diện và bao trùm.

Những quốc gia có trình độ thống kê cao đã thực hiện tốt việc đánh giá lại ngắn hạn, cập nhật, đánh giá lại thường xuyên theo số liệu tổng điều tra và điều tra toàn bộ nên ít phải thực hiện đánh giá lại vòng 3.

Những quốc gia còn có bất cập về phạm vi, nguồn thông tin nhưng không có khả năng xử lý thường xuyên thì cần phải tiến hành đánh giá lại vòng 3 để nâng cao chất lượng số liệu, đảm bảo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” và tính so sánh theo dãy năm và so sánh quốc tế.

Như vậy, theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, việc định kỳ đánh giá lại các thông số liên quan đến GDP ở các nước có trình độ phát triển chưa cao là điều cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

  • Đánh giá lại GDP dưới góc nhìn đa chiều

    14:58, 31/10/2019

  • Đánh giá về GDP phải kèm cảnh báo "cái giá của tăng trưởng"

    09:35, 31/10/2019

  • Tính lại GDP, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược

    04:39, 27/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đánh giá lại GDP và câu chuyện bản chất của nền kinh tế

    00:35, 25/10/2019

  • Làm sao duy trì GDP luôn tăng trưởng cao, lạm phát thấp?

    11:00, 03/10/2019

  • Chủ tịch VCCI: Muốn tăng GDP thì không thể giảm giờ làm!

    16:47, 16/09/2019

  • Tổng cục Thống kê: Đánh giá lại quy mô GDP không phải là “cách tính mới”

    13:05, 16/08/2019

  • Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam như thế nào?

    11:11, 03/08/2019

  • Tăng trưởng xuất khẩu và GDP danh nghĩa “lệch nhịp”

    10:48, 22/07/2019

  • Chiến tranh thương mại sẽ thực sự tác động đến GDP và FDI Việt Nam từ khi nào?

    02:46, 30/07/2019

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Trung Quốc, Italy, Croatia, Indonesia, Zambia… đã tiến hành điều chỉnh và công bố lại quy mô GDP cùng các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan.

LB Nga đã từng tính lại GDP trong các năm 2014, 2015 và 2016, theo đó chỉ số GDP của từng năm được điều chỉnh tăng lên so với các con số được nêu ra trước đó. Riêng năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng khoảng 24,3%.

Trung Quốc cũng đã ba lần đánh giá lại quy mô GDP dựa vào thông tin từ các cuộc Tổng điều tra năm 2004, 2008 và 2013. Kết quả sau khi đánh giá lại năm 2013 cho thấy quy mô GDP giá hiện hành năm 2013 của Trung Quốc được bổ sung khoảng 305 tỷ USD, tương đương tăng 3,4%.

Năm 2016, Trung thay đổi cách hạch toán hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), bổ sung dịch vụ nhà tự có tự ở… kết quả đã bổ sung 141 tỷ USD (khoảng 1,3%GDP) năm 2015 của Trung Quốc…

Năm 2013, Mỹ cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008,  có sự thay đổi về cách xử lý tài sản sở hữu trí tuệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển…, do đó, quy mô GDP của Mỹ năm 2012 được cộng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố.

Năm 2012 Canada đánh giá lại quy mô GDP giá hiện hành năm 2011 của Canada tăng thêm 2,4% (tương đương tăng 36,4 tỷ USD) do cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008; cập nhật nguồn thông tin hiện có và bổ sung thông tin mới phát sinh; cập nhật các bảng phân loại mới v.v…

Nhiều nước khác cũng tiến hành cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 theo khuyến nghị của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, khiến quy mô GDP giá hiện hành của các nước này cũng thay đổi đáng kể: Ghana tăng 60%, Nigeria tăng 59,5%, Maldive tăng 37%, Kenya tăng 25%, Zambia tăng 25%, Indonesia tăng 6,45%, Malaysia tăng 3,2%...

Quy mô GDP của Đức tăng khoảng 3%, Italy tăng khoảng 7%, Bulgaria tăng 31,2%... do bổ sung số liệu về một số hoạt động kinh tế ngầm vào GDP.

Ở Việt Nam, năm 2013, Tổng cục Thống kê đã thực hiện việc đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động  sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ Hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007.

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam tính lại GDP lần này là đúng thời điểm, không phải xuất phát từ mong muốn “làm đẹp” số liệu, mà từ nhu cầu thực tế và theo khuyến nghị của Cơ quan Thống kê LHQ (UNSD), nhằm giúp Chính phủ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.

Năm 2019, phạm vi đánh giá lại quy mô GDP giới hạn trong việc xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất theo quy định của Việt Nam. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP trong 10 năm, từ 2007 – 2017 theo thông lệ quốc tế, với sự trợ giúp tích cực Tổ chức Tiền tệ quốc tế IMF và chuyên gia của Liên hợp quốc đã khiến quy mô nền kinh tế tăng 24,6%.

Bộ Chính trị cũng đã có chỉ đạo dùng hệ thống chỉ tiêu cũ để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của Đại hội và Kế hoạch 5 năm; đồng thời, phải căn cứ vào chỉ tiêu đánh giá lại GDP để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, là mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Chúng ta chia sẻ quan điểm của Tổng Cục trưởng TCTK, khi số liệu đánh giá lại quy mô GDP được công bố, chỉ đơn thuần là ngành Thống kê cung cấp cho cơ quan chức năng, các chuyên gia, các nhà khoa học và công chúng số liệu xác thực hơn, để có thể thấy rõ đất nước mình đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới.

GDP được đánh giá lại cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn, phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực của nền kinh tế. Do đó, đây chính là những căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng đề xuất, xây dựng Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Chúng ta cũng thấy an tâm khi được bảo đảm rằng: Việc đánh giá lại quy mô GDP được Tổng cục Thống kê thực hiện dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện, tính lịch sử, so sánh và đảm bảo thống nhất về quy trình và phương pháp tính.

Để thực hiện đánh giá lại quy mô GDP, TCTK chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm trù sản xuất theo quy định của Việt Nam, không xem xét các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tổng cục Thống kê thực hiện xem xét, rà soát từ nguồn thông tin và kết quả tính toán chi tiết đến 88 ngành kinh tế cấp 2; 21 ngành kinh tế cấp 1 và 3 khu vực kinh tế cho giai đoạn 2010-2017. Bổ sung cập nhật một số nội dung theo phương pháp luận của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và hệ thống phân loại mới. Bổ sung, cập nhật giá trị các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, phần mềm tin học,...

Tổng cục cũng thực hiện đánh giá GDP theo giá hiện hành và giá so sánh năm 2010. GDP tính theo giá hiện hành kết hợp với các chỉ tiêu vĩ mô khác để nghiên cứu, xem xét các cân đối lớn trong nền kinh tế của các địa phương, của các ngành kinh tế với nhau. GDP tính theo giá so sánh nhằm đánh giá tốc độ tăng trưởng theo từng ngành kinh tế qua các năm.

Vì sao phải đánh giá lại?

Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm làm tăng quy mô GDP, đó là: (1) Bổ sung thông tin từ tổng điều tra; (2) Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; (3) Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và (4) Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ duy nhất nhóm (5) Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước, đã làm quy mô GDP theo giá hiện hành giảm.

Cụ thể, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017, TCTK đã bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp (trong đó có khoảng 136 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an); với phần lớn số doanh nghiệp bổ sung thêm từ kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ (chiếm khoảng 70%).

Việc 76.000 doanh nghiệp bị bỏ sót này do cả yếu tố khách quan và chủ quan, đó là:

Một mặt, TCTK chỉ có thể tổ chức điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm và cứ 5 năm mới tổ chức tổng điều tra toàn bộ một lần. Nhưng điều tra chọn mẫu có bất cập là không phản ánh được chính xác quy mô của nền kinh tế, do ngành thống kê không cập nhật được đầy đủ số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động; do doanh nghiệp được điều tra cung cấp thông tin không đúng với tình hình thực tế; và do điều tra viên thống kê chưa làm hết nhiệm vụ.

 Mặt khác, khi chưa có sự chia sẻ số liệu, giữa 3 cơ quan: Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê, số liệu về số lượng doanh nghiệp có sự vênh nhau khá lớn, do mỗi cơ quan có chức năng thu thập số liệu doanh nghiệp phục vụ cho các mục đích và theo các tiêu chí khác nhau. Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh có số liệu về lượng doanh nghiệp được thành lập; cơ quan thuế thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế phải nộp thuế; thì cơ quan thống kê lại nắm số liệu doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, gần đây, giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê đã có sự hợp tác, chia sẻ số liệu nên số liệu về doanh nghiệp đã được cập nhật, bổ sung mới.

Việc cập nhật lý luận mới về hệ thống tài khoản quốc gia 2008 cũng giúp làm tăng quy mô GDP. Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 đã đưa ra một số thay đổi liên quan đến phạm vi tài sản, bao gồm: Mở rộng phạm vi tài sản là các sản phẩm nghiên cứu và phát triển; đánh giá lại phân loại tài sản. Trong các loại tài sản được bổ sung mới, một số tài sản được tính toán vào tài khoản quốc gia trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP như: Bổ sung, cập nhật giá trị các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, giá trị của phần mềm tin học.

Như vậy, có thể thấy: Việc đánh giá lại quy mô GDP lần này không phải là cách tính mới. mà chỉ là cập nhật số liệu tính toán đầy đủ và chính xác hơn.

Tuy vậy, theo Tổng cục Thống kê, trong điều kiện phạm vi tính toán được mở rộng và đầy đủ hơn, quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi, bao gồm: Tích lũy tài sản; Tiêu dùng cuối cùng; Tổng thu nhập quốc gia (GNI); Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP)….

Từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn, hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Nhiều quan ngại của dư luận tập trung vào vấn đề: Liệu GDP sau khi được đánh giá lại phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa: tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP. Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ…

Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp, vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật…chứ không thể có sự điềuc hỉnh tự động lên mức thu, chi theo kế hoạch đã duyêt.

Đặc biệt, điều đáng mừng là: rất có thể những chỉ tiêu như chi giáo dục và chi cho KHCN/GDP lai được xem xét tăng trên thực tế, vì quy mô GDP mới cho thấy tỷ lệ chi cũ là chưa đạt mức kế hoạch đặt ra…

Nghĩa là, tính lại GDP là cũng có lợi cho nhiều chỉ tiêu chi NSNN cho các mục tiêu phát triển và sự nghiệp công ích… Tất cả tùy thuộc vào mục tiêu quản lý Nhà nước và xét đến cùng, con số chính xác hơn về GDP bao giờ cũng mang lại lợi ích tích cực hơn tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đằng sau việc tính lại GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO