Không khó hiểu nếu Mỹ, Anh, Pháp tiếp tục tấn công Syria, nhất là khi không đạt các mục tiêu trên bàn đàm phán, trong đó có “miếng bánh” tái thiết.
Chuyển hướng ngoại giao đe dọa
Mỹ, Pháp và Anh ngày 14/4 đã triển khai một nỗ lực mới tại Liên hợp quốc trong việc điều tra các vụ tấn công hóa học tại Syria vài khi không kích vào các mục tiêu ở quốc gia Trung Đông này.
Theo văn bản do AFP có được, các nước đồng minh này đã cho lưu hành một dự thảo nghị quyết chung tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi chuyển hàng viện trợ nhân đạo không bị cản trở, thực thi một lệnh ngừng bắn và yêu cầu Syria tham gia các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc dẫn đầu.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Paris sẽ đệ trình các sáng kiến cho cuộc khủng hoảng Syria vào ngày 16/4 tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Le Drian, cần phải lên kế hoạch hướng tới một giải pháp hòa bình ở Syria. Tại New York và Brussels, Pháp sẽ phác thảo một lộ trình với những người muốn đóng góp cho kế hoạch đó.
Có thể bạn quan tâm
07:41, 15/04/2018
05:02, 15/04/2018
15:40, 14/04/2018
15:20, 14/04/2018
Trước đó, qua trao đổi trên điện thoại với các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh, Tổng thống Macron đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thực hiện các sáng kiến chính trị và nhân đạo một cách "thống nhất", không chỉ để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học tiếp diễn, mà còn để bảo vệ dân chúng và đảm bảo rằng đất nước này tìm lại hòa bình.
Còn ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Đức và Pháp sẽ mở ra một hình thức đàm phán mới nhằm giải quyết vấn đề Syria, trong đó có sự tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng để đảm bảo giải quyết xung đột chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Ông Maas nói thêm, các cuộc đàm phán ở Geneva, Astana và Sochi đã không thể đưa ra đáp án chính xác để giải quyết xung đột. Theo Ngoại trưởng Đức, các sáng kiến để giải quyết khủng hoảng Syria sẽ trở thành một trong những chủ đề quan trọng tại cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng EU vào ngày 16/4 tới.
Về phía Mỹ, Washington phát tín hiệu sẽ làm việc với các đồng minh để quyết định các biện pháp chính trị và kinh tế tiếp theo với Syria sau các cuộc không kích.
Một nguồn tin cấp cao của Mỹ khẳng định với báo chí rằng Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Nga, để thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria. Mỹ muốn có sự hợp tác với Nga để dẫn đến hòa bình và ổn định trên thế giới.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cảnh báo nước này có thể sẽ tiếp tục tấn công Syria với cái cớ trong trường hợp lại xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học.
Bà Haley khẳng định chiến lược của Mỹ chưa có gì thay đổi và cuộc không kích do Mỹ, Pháp và Anh vừa tiến hành đã tiêu hủy được một khối lượng lớn vũ khí hóa học của Syria.
Các động thái ngoại giao dồn dập đi kèm những lời đe dọa và việc tiếp tục duy trì lực lượng quân sự hùng hậu xung quanh Syria cho thấy Mỹ cùng các đồng minh tiến hành cuộc tấn công vừa qua để làm con bài mặc cả. Lần này, “con bài” của Mỹ có giá trị hơn vì đã lôi kéo được hai đồng minh.
Nội dung bản dự thảo nghị quyết mới được Mỹ, Anh và Pháp lưu hành tại Hội đồng Bảo an không khác mấy so với những văn kiện tương tự trước đây mà các nước này từng đệ trình mỗi khi lực lượng nổi dậy tại Syria sắp tan rã.
Lần này, Mỹ, Anh và Pháp lại kêu gọi chuyển hàng viện trợ nhân đạo không bị cản trở, thực thi một lệnh ngừng bắn. Bên cạnh đó, việc yêu cầu Syria tham gia các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc dẫn đầu đồng nghĩa với ý đồ loại bỏ vai trò dẫn dắt của Nga, trong đó có các khuôn khổ Astana và Sochi.
Vẫn có thể tấn công tiếp
Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/4 đã chỉ thẳng cuộc tấn công của Mỹ, Anh và Pháp cho thấy những nước này muốn trao cơ hội cho lực lượng cực đoan tại Syria khôi phục hàng ngũ của mình.
Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Cần phải lưu ý rằng hành động xâm lược được thực hiện vào đúng thời điểm quân đội Syria đang tiếp tục tấn công hiệu quả chống lại các nhóm khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat al-Nusra".