Bước đi đầy tham vọng của Trung Quốc tại Trung Đông

CẨM ANH 29/09/2023 03:30

Chuyến thăm của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tới Hàng Châu chứng tỏ rằng Trung Quốc muốn đóng một vai trò lớn hơn ở Trung Đông bất chấp những thách thức kinh tế.

>>Trung Quốc có thể duy trì ổn định tại Trung Đông?

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Hàng Châu ngày 22-9. Ảnh: XINHUA

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu ngày 22/9. Ảnh: XINHUA

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tới Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình. Có thể thấy chuyến thăm này của Tổng thống Syria đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Trung Quốc-Syria.

Từ quan điểm quốc tế, cuộc gặp của ông Bashar al-Assad với Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ biểu thị sự ủng hộ rộng rãi của Trung Quốc với ông Assad mà còn có tiềm năng củng cố vị thế trong nước của ông Bashar al-Assad thông qua những cam kết đầy hứa hẹn từ Trung Quốc về việc sẽ tăng đầu tư đáng kể vào công cuộc tái thiết của Syria.

Lập trường của Chủ tịch Tập Cận Bình về Syria có thể được tóm tắt ngắn gọn trong khẳng định của ông rằng “Trung Quốc hỗ trợ Syria tiến hành tái thiết, tăng cường xây dựng năng lực chống khủng bố và thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Syria theo nguyên tắc "do Syria lãnh đạo, do Syria làm chủ".

Bắc Kinh đã kiên định với cam kết thúc đẩy một giải pháp chính trị do Syria lãnh đạo kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến. Nhưng giới quan sát chính trị cho rằng, một trong những chất xúc tác khác cho sự ủng hộ của Bắc Kinh là lo ngại rằng "Mùa xuân Ả Rập" sẽ lan rộng khắp khu vực.

Ngoài ra, việc Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh vào việc tăng cường các nỗ lực chống khủng bố bắt nguồn từ sự lo ngại của Trung Quốc về việc những phần tử cực đoan có thể gia nhập các tổ chức thánh chiến ở Syria.

>>Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Bashar al-Assad cùng phái đoàn 2 nước tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào chiều 22.9

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Bashar al-Assad cùng phái đoàn 2 nước tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào chiều 22/9. Ảnh: Reuters

Về mặt này, việc ban hành luật chống khủng bố của Trung Quốc vào năm 2015 đã cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân có khả năng điều động các đơn vị chống khủng bố tới các quốc gia nước ngoài theo lời mời và Syria vẫn nằm trong danh sách rút gọn của Bắc Kinh.

Damascus đã luôn kỳ vọng về việc tái thiết kể từ Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và Tái thiết năm 2018, trong đó nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cam kết đầu tư 2 tỷ USD. Năm 2019, theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại song phương đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, bất chấp việc Trung Quốc cung cấp thiết bị y tế trong đại dịch COVID-19 cho Syria, sự hợp tác kinh tế và tài chính của nước này với Syria vẫn đang suy giảm.

Mặc dù vậy, với triển vọng kinh tế ảm đạm hiện nay của Trung Quốc, vẫn chưa chắc chắn về việc liệu các khoản đầu tư đáng kể có chảy vào Syria trong tương lai gần hay không. Điều này trái ngược với khoản viện trợ và tài trợ khổng lồ cho các dự án vĩ mô được mở rộng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Sức hấp dẫn thực sự của các dự án tái thiết ở Syria không nằm ở năng lượng và tài nguyên thiên nhiên mà ở ý nghĩa địa chính trị của hai cảng Tartus và Latakia ở Levant. Các cảng này có vị trí chiến lược gần các cảng container khác nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, như Piraeus ở Hy Lạp, Haifa ở Israel và Tripoli ở Lebanon.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất để mắt đến vai trò tái thiết Syria. Iran và Nga cũng đang tìm cách biến sự hỗ trợ quân sự của họ dành cho ông Assad thành những lợi ích kinh tế và địa chính trị. Nga đã công khai bày tỏ sự quan tâm đến Tartus và Iran mong muốn được tham gia vào lĩnh vực ô tô và viễn thông của Syria.

Việc ngoại giao của Trung Quốc với ông Assad là một phần của bức tranh lớn mà Bắc Kinh đang tạo ra ở Trung Đông. Nguyên tắc không can thiệp lâu đời của nước này đang dần phát triển thành một lập trường chủ động hơn, khi Trung Đông chứng kiến sự trỗi dậy trong chính sách ngoại giao năng động của Bắc Kinh, được bắt đầu bằng việc nước này tham gia vào việc nối lại quan hệ hữu nghị chưa từng có giữa Saudi Arabia và Iran.

Do đó, ông Alessandro Arduino, giảng viên tại King's College London nhận định, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Syria gần đây nhằm nhấn mạnh cách Trung Quốc đang mở rộng trọng tâm và vượt ra ngoài quan hệ đối tác thương mại đơn thuần ở Trung Đông, đồng thời thận trọng khi đề cập đến các vấn đề chính trị.

"Bắc Kinh đang chạy đua để thúc đẩy một trật tự đa cực. Nỗ lực này bao gồm thúc đẩy các nước khu vực Trung Đông tham gia nhiều hơn vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, với Iran mới tham gia với tư cách là thành viên, và sáng kiến BRICS+, với việc kết nạp UAE, Saudi Arabia và Iran làm thành viên", chuyên gia này nói thêm.

Chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, từ việc môi giới thỏa thuận hòa bình giữa Saudi Arabia và Iran đến việc tham gia vào các nỗ lực tái thiết ở Syria, nhấn mạnh ý tưởng rằng phát triển kinh tế và ổn định an ninh có mối liên hệ với nhau, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc trở thành một đại diện tiềm năng cho các nước miền Nam bán cầu.

Trong khi cuộc gặp với Tổng thống Syria trao cho Trung Quốc cơ hội khẳng định vai trò là một nhà kiến tạo hòa bình ở Trung Đông, thử thách thực sự sẽ nằm ở chỗ Bắc Kinh có thể cung cấp trợ giúp tái thiết một cách hiệu quả cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong bối cảnh kinh tế khó khăn hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới

    Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới

    01:00, 11/09/2023

  • Mỹ - Trung Quốc mở

    Mỹ - Trung Quốc mở "đường đua" mới ở Trung Đông

    04:30, 23/08/2023

  • Nga

    Nga "chật vật" thay thế ảnh hưởng của Wagner tại Trung Đông

    04:00, 08/07/2023

  • Trung Quốc có thể duy trì ổn định tại Trung Đông?

    Trung Quốc có thể duy trì ổn định tại Trung Đông?

    03:30, 10/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bước đi đầy tham vọng của Trung Quốc tại Trung Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO