Với đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu thu ngân sách và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2025 chứng kiến sự gia tăng của lãi suất tiền gửi, đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đã gây ra nhiều tranh luận. Liệu chính sách này có khiến người dân rút tiền khỏi ngân hàng, ảnh hưởng đến thanh khoản và tăng trưởng tín dụng?
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital chia sẻ, theo các khảo sát thị trường gần đây, phần lớn người dân vẫn giữ nguyên khoản tiền gửi thay vì rút ra, nhưng họ đang chờ đợi mức thuế cụ thể trước khi ra quyết định. Lãi suất tiền gửi hiện tại có xu hướng tăng lên khoảng 6%/năm, cao hơn so với năm trước và lạm phát dự kiến 4,5%. Điều này mang lại lãi suất thực khoảng 1,5%, tuy nhiên nếu bị đánh thuế, lợi nhuận thực tế sẽ giảm đáng kể.
Các ngân hàng hiện đang đối mặt với áp lực huy động vốn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% cho năm 2025, cao hơn so với năm ngoái. Một điểm đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tiền gửi hiện chỉ đạt khoảng 9%, trong khi tăng trưởng cho vay đạt tới 15%. Sự chênh lệch 6% này khiến các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút tiền gửi, dẫn đến xu hướng tăng lãi suất huy động.
Xét về tác động của chính sách trên đến các đối tượng trong toàn nền kinh tế sẽ thấy: Thứ nhất, đối với người gửi tiền, người dân sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn để bù đắp khoản thuế, điều này có thể khiến ngân hàng khó thu hút vốn nếu không tăng lãi suất huy động.
Đặc biệt, những người có khoản tiết kiệm lớn sẽ chịu tác động nặng nề hơn, dẫn đến xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng hoặc bất động sản.
Thứ hai, đối với ngân hàng, việc giảm tiền gửi sẽ làm suy giảm thanh khoản, buộc các ngân hàng phải cạnh tranh để huy động vốn, dẫn đến chi phí vốn cao hơn. Đồng thời thị trường liên ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng khi các ngân hàng cần vay nhau với lãi suất cao hơn để bù đắp thanh khoản thiếu hụt.
Thứ ba, đối với nền kinh tế, lãi suất vay tăng sẽ khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng theo, gây khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và kinh doanh. Tăng trưởng GDP có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu chi phí vốn tăng quá nhanh, cản trở các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra.
Đáng chú ý, nếu môi trường lãi suất cao nhưng người dân lại không gửi tiền thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn vốn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận các khoản vay cần thiết để phát triển.
Đây là yếu tố cốt lõi khiến nhiều người bày tỏ việc không ủng hộ chính sách đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, do tác động tiêu cực đến khả năng huy động vốn và sự ổn định của hệ thống tài chính.
“Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh hiện tại có thể không phù hợp do mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Với tỷ lệ lạm phát có thể ở mức 4,5% và mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, thì lãi suất tiết kiệm nên giữ ở mức hấp dẫn để người dân tiếp tục gửi tiền, qua đó duy trì nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng”, ông Tuấn bày tỏ.
Tương tự, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính phân tích tiền tiết kiệm của người dân tích lũy chủ yếu từ tiền lương và thu nhập, vốn đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, nếu tiếp tục đánh thuế đối với lãi suất tiền gửi thì sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế.
Điều này không chỉ làm giảm động lực tiết kiệm của người dân mà có thể gây ra sự bất cân xứng, do không ít người dù có tài khoản tiết kiệm nhưng vẫn phải đi vay tiền cho các nhu cầu khác. Trong khi lãi tiền vay không được tính trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Từ đó làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho người dân và có thể khiến họ cân nhắc rút tiền khỏi ngân hàng để tìm kiếm các kênh đầu tư khác.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, cần phát triển các kênh đầu tư an toàn và minh bạch như chứng khoán và trái phiếu chính phủ, không chỉ giúp người dân đa dạng hóa nguồn thu nhập mà còn góp phần tăng cường sự phát triển của thị trường vốn.
Như vậy, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách và khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh khác. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện một cách hợp lý, chính sách này sẽ gây ra các hệ lụy tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng với sự chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng tiền gửi và cho vay, các ngân hàng cần duy trì lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn, đảm bảo thanh khoản và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất cao mà người dân không gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn trong việc huy động vốn và phát triển sản xuất. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu thu ngân sách và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.