Tín dụng - Ngân hàng

Ngân hàng được yêu cầu ổn định lãi suất tiền gửi, giảm tiếp lãi suất vay

Lê Mỹ 28/11/2024 03:20

Ngân hàng chủ động thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng...

Ngày 27/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay và tiếp tục triển khai nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Ngân hàng chủ động nắm bắt kịp thời khó khăn doanh nghiệp để tháo gỡ và xử lý là cách làm hay và có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Ảnh minh họa.
Các TCTD phấn đấu giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Ảnh minh họa.

Các TCTD tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay,... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục chủ động thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) trên trang thông tin điện tử của TCTD.

NHNN cũng yêu cầu tích cực chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng về việc giảm lãi suất cho vay, công bố thông tin về lãi suất; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng nắm bắt và tiếp cận chính sách của TCTD.

Cùng với đó, NHNN yêu cầu các NHNN chi nhánh tại các tỉnh thành địa phương chỉ đạo quyết liệt các TCTD trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai các biện pháp để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng có ưu đãi lãi suất cho vay (nếu có) đến khách hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Các NHNN chi nhánh tại các địa phương theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn; chỉ đạo giám sát các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn trong việc triển khai chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN về giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và tiếp tục truyền thông về chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính sách của NHNN trên địa bàn để TCTD tích cực triển khai và để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và tiếp cận rõ ràng, đầy đủ, minh bạch.

NHNN cho biết mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5%/năm trong năm 2023; 10 tháng năm nay, lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Hiện, các ngân hàng đang triển khai loạt gói tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.

Trước chỉ đạo của NHNN, ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Đồng thời, Thống đốc cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN với định hướng tiếp tục thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng với lãi suất phù hợp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong thời gian tới.

NHNN cho biết tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,4%), còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu cả năm là tăng trưởng tín dụng 15%. Tuy nhiên, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm nay có tính khả thi cao.

Với việc đặt thúc đẩy tín dụng là nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở các TCTD chú trọng cân nhắc phân bổ vốn, kiểm soát rủi ro tín dụng; đặc biệt được NHNN linh hoạt điều tiết và hỗ trợ nguồn vốn, thanh khoản cho hệ thống, các chuyên gia cho rằng tháng cuối của năm 2024 (tháng 12) có thể sẽ lặp lại kịch bản của năm 2023 với dư nợ của hệ thống ngân hàng sẽ tăng rất mạnh. Nếu tính cả tháng 11 do dữ liệu chưa được thống kê chính thức, trong gần 2 tháng còn lại của năm, dự kiến sẽ có gần 670.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng GDP cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân hàng được yêu cầu ổn định lãi suất tiền gửi, giảm tiếp lãi suất vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO