Tín dụng - Ngân hàng

Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sắp thêm bước tiến mới

Lê Mỹ 17/11/2024 04:10

Sau bước tiến chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng hoàn tất trong tháng 10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng.

Trong Chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, tuần vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo giải trình thêm về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Cùng đầu tuần, các đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các lĩnh vực NHNN quản lý.

Đáng chú ý trong nội dung Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thông tin, bên cạnh việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua rất tốt, hợp lý, Phó Thủ tướng cho biết đã xử lý được hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng nữa, ổn định hệ thống.

Khách hàng đang giao dịch tại CB
CB là một trong 2 TCTD đã công bố chuyển giao bắt buộc về Vietcombank mới đây. Ảnh minh họa: Khách hàng đang giao dịch tại CB

Trước đó, sau thời gian dài chuẩn bị, thực hiện và thúc đẩy các nội dung theo đề án tái cơ cấu các ngân hàng, chuyển giao bắt buộc các ngân hàng thuộc diện 0 đồng, trong tháng 10, NHNN đã tổ chức lễ chuyển giao Ngân hàng Xây dựng (CBBank) về với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) về với Ngân hàng Quân đội (MBBank).

Như vậy, hệ thống vẫn còn 2 ngân hàng ở nhóm này- một thuộc diện 0 đồng là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một thuộc diện ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). Theo như Phó Thủ tướng cho biết, 2 ngân hàng này đang chuẩn bị để chuyển giao tiếp thời gian tới.

Với sự chuẩn bị của các ngân hàng theo đề án và một số thông tin dự đoán trên thị trường, các ngân hàng có thể tham gia vào việc nhận chuyển giao bắt buộc là Ngân hàng Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank). Tuy nhiên đây vẫn chỉ thông tin dự đoán mặc dù tại ĐHĐCĐ của các ngân hàng này trong các kỳ gần đây, lãnh đạo ngân hàng đều đề cập đến nội dung chuẩn bị nhận chuyển giao bắt buộc nhà băng khác và kỳ vọng sẽ được nâng hạn mức tín dụng và có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngoài 2 ngân hàng diện 0 đồng và kiểm soát bắt buộc được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai, một ngân hàng khác được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào cuối tháng 10/ 2022 là Ngân hàng Sài Gòn (SCB).

Theo Nghị quyết số 218/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 được ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với SCB trong tháng 12/2024. Giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Nếu SCB được hoàn thiện phương án xử lý trong năm nay, đây cũng sẽ là cơ sở cho bước xử lý kế tiếp nhằm tái cấu trúc mạnh mẽ đối với ngân hàng này vào 2025.

scb.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án xử lý đối với SCB trong tháng 12/2024. Ảnh minh họa: Khách hàng đang giao dịch tại SCB

Liên quan đến hoạt động sáp nhập, tổ chức lại các tổ chức tín dụng (TCTD) qua các phương thức chuyển giao bắt buộc, xử lý các ngân hàng 0 đồng, yếu kém, Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại TCTD. Dự thảo nêu rõ các phạm vi hoạt động, nguyên tắc và điều kiện sáp nhập, hợp nhất của các TCTD, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động sau sáp nhập.

Theo dự thảo, về sáp nhập, hợp nhất TCTD, 5 nguyên tắc được đề ra, bao gồm: Một là, thực hiện theo thỏa thuận, bảo đảm hoạt động bình thường của TCTD.

Hai là, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, chủ nợ trong quá trình sáp nhập, hợp nhất; tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.

Ba là, bảo mật thông tin nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất trước khi đề án sáp nhập, hợp nhất được cơ quan có thẩm quyền quyết định của TCTD thông qua. Đảm bảo nguyên tắc thận trọng, trung thực, chính xác, không gây hiểu nhầm về các tài liệu, hồ sơ.

Bốn là, nghiêm cấm việc tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức. Việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của TCTD, cá nhân liên quan.

Năm là, giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD bị hợp nhất hết hiệu lực khi TCTD hợp nhất khai trương hoạt động. Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD bị sáp nhập hết hiệu lực khi NHN sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD nhận sáp nhập.

Tại dự thảo cũng nêu các điều kiện đối với các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất: Không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm, trừ trường hợp được miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Có đề án sáp nhập, hợp nhất theo quy định được cơ quan có thẩm quyền quyết định của các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất thông qua.

Sau khi sáp nhập, hợp nhất TCTD sau sáp nhập, TCTD hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ lệ phần vốn góp, sở hữu cổ phần và điều kiện hoạt động ngân hàng.

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2015/TT-NHNN này hiện đang được lấy ý kiến. Giới chuyên môn cho rằng cần được các cơ quan chức năng sớm xem xét tổng hợp các ý kiến để có bản sửa đổi phù hợp nhất, sao cho sớm hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể, áp dụng cho các đối tượng điều chỉnh là TCTD trong hệ thống ngân hàng, các TCTD phi ngân hàng - mà gần nhất là các TCTD đang và sẽ thực thi chuyển giao bắt buộc theo kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sắp thêm bước tiến mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO