[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 3)

Trương Khắc Trà 14/06/2019 07:32

Cả nước đang nói đến cuộc cách mạng 4.0 đầy háo hức, nhưng chưa thấy ai lo lắng cho việc đào tạo con người để tiếp thu cuộc cách mạng này.

Việt Nam hùng cường là một ước mơ chính đáng, nhưng đã đến lúc phải mổ xẻ, hùng cường như thế nào? Hùng cường dựa vào đâu? Tất nhiên phải nắm bắt cái tốt nhất của nhân loại lúc này đó là cuộc cách mạng 4.0, nó đòi hỏi mọi thứ hỗ trợ phải ở tầm 4.0.

Mấu chốt là ở con người và chất lượng con người, từ đây bỗng dưng xuất hiện câu hỏi rất triết học: Con người là gì? Như thế nào là con người 4.0?

Như đã đề cập ở những bài trước, đến đây cần có nền giáo dục khai phóng (liberal education) nhằm tạo ra “con người tự do” dựa trên khái niệm các môn học khai phóng có từ thời Trung Cổ.

Hiệp hội các trường và Viện đại học Hoa Kỳ (AACU) mô tả, giáo dục khai phóng là “một triết lý giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng và những kỹ năng có thể chuyển đổi được, và một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức, và sự can dự vào đời sống công dân”.

Truyền thống khai phóng có từ chương trình giảng dạy thời Trung Cổ. Nó bao gồm hai phần. Phần đầu, tam khoa, bao gồm Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Luận lý. Nó dạy nghệ thuật đọc và viết, nghệ thuật nghe và nói, và nghệ thuật tư duy hợp lý. Phần còn lại, cao đẳng tứ khoa, bao gồm Số học, Hình học, Thiên văn học, và âm nhạc (không phải loại âm nhạc có thể nghe được rõ ràng, mà là nhạc học được hình dung như một môn toán học).

Dĩ nhiên là ngày nay chúng ta sẽ thêm vào nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội nữa. Đấy là những gì đã được thực hiện qua nhiều nỗ lực hiện đại khác nhau nhằm cách tân nền giáo dục khai phóng.

Tuy nhiên mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ.

Giáo dục phải đổi mới thực chất

Giáo dục phải đổi mới thực chất

Nói như Tiến sĩ Giáp Văn Dương, việc trở thành con người của cách mạng công nghiệp 4.0, tức con người có khả năng làm chủ bản thân mình và làm chủ cái món 4.0 này, hay trở thành nạn nhân của nó, lại phụ thuộc phần lớn vào chương trình giáo dục, những chương trình được thiết kế ra ngày hôm nay để đào tạo con người làm chủ xã hội, làm chủ nền kinh tế - kỹ nghệ của 15-20 năm sau nữa.

Có một nghịch lý rất lớn, giáo dục Việt Nam luôn chú trọng đào tạo các môn tự nhiên, chiếm đa số thời lượng và nó tạo ra một loại định kiến tai hại “học giỏi Toán, Lý, Hóa” mới được xem là “giỏi thực thụ”, có cơ hội trở thành chuyên gia, nhà khoa học, lương ngàn đô…

Nhưng cái cần có là đội ngũ khoa học gia gánh vác nền khoa học kỹ thuật nước nhà lại quá ít, không có nhiều công trình do người Việt sáng tạo đủ sức thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi xã hội, tạo ra xu hướng mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)

    Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)

    08:00, 12/06/2019

  • Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 2)

    Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 2)

    06:06, 13/06/2019

Sông Tô Lịch trở thành con sông “chết” cũng chỉ vì ý thức của chúng ta, nhưng chính chúng ta không thể giải quyết nổi hậu họa do mình gây ra. Một câu hỏi rất mếch lòng: Hàng chục ngàn tiến sĩ, giáo sư hiện có chẳng lẽ bó tay không xử lý nổi mùi hôi thối? Phải tốn tiền thuê chuyên gia Nhật Bản!

Ngập úng ở TP HCM, bao nhiêu ngàn tỷ không thông được, xin nói thẳng không loại máy bơm nào kham nổi nếu như phố phường đường sá hiện tại là sản phẩm của quy hoạch bất hợp lý, cũng đành phải chỉ thẳng đó là do tầm nhìn quy hoạch đô thị (hoặc) “lợi ích nhóm” phương hại.

Nhà chức trách nên xem xét lại hơn 400 trường đại học cao đẳng hiện nay thật sự cần bao nhiêu trường tồn tại, bao nhiêu trường phải sáp nhập hoặc giải thể?

Học đại học chưa bao giờ dễ như hiện nay, trường sư phạm phải hạ tiêu chuẩn đầu vào đến mức thảm hại để tồn tại, không khác mấy với việc xả rác ở đầu nguồn rồi mất công về hạ lưu thu dọn.

Nếu trường đại học không nâng cao chất lượng đầu vào thì cũng giống như nhà máy không có nguyên liệu đầu vào tốt. Làm sao sản xuất được sản phẩm chất lượng?

Chịu ảnh hưởng của giáo dục Liên Xô cũ, giáo dục đại học Việt Nam hiện nay chú trọng đào tạo chuyên sâu một ngành nghề ngay từ đầu, kết quả tạo ra hàng loạt cử nhân chuyên môn hẹp, thiếu tính phổ quát, kiến thức mau chóng lạc hậu trước sự biến đổi nhanh chóng.

Đúng như nhận xét của GS Hoàng Tụy: “Khi phần lớn quan chức nắm giữ chức vụ quan trọng đều được đào tạo kiểu ấy thì dễ hiểu có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện trình độ văn hoá phổ quát thấp vẫn có sức tồn tại lâu dài trong đời sống kinh tế xã hội, tác động dai dẳng đến môi trường, an toàn giao thông, sức khoẻ cộng đồng như đã thấy rõ thời gian qua”.

Xu hướng đào tạo tiên tiến hiện nay là có sự thâm nhập, xen kẽ nhau của nhiều ngành khoa học, hợp tác liên ngành, không thể khu biệt. Bản thân khái niệm 4.0 cũng xuất phát từ hàng chục ngành khoa học khác nhau.

Đi ngược lại xu thế chung đó, điểm dở nhất của khoa học công nghệ của ta là thiếu hợp tác liên ngành. Điểm dở nhất của nhiều tri thức ta là tầm nhìn hạn hẹp, sinh ra cô độc, thiển cận và tư duy hời hợt, thiếu chiều sâu. Khắc phục các nhược điểm ấy cần một cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục, bắt đấu là thay đổi phương thức đào tạo ở đại học.

Vấn đề lớn nhất của nhiều trường đại học hiện nay lo cách để tồn tại hơn là nghĩ phương kế tạo ra nhân tài, nghiên cứu khoa học và các công bố quốc tế hầu như trống trơn.

Vẫn có chuyện hai thế hệ cử nhân cùng một ngành, một trường cách nhau 15 năm nhưng nội dung được học không khác nhau là mấy.

Bộ GD&ĐT nên làm ngay việc quy hoạch tổng thể các trường đại học, các nhóm ngành theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tập trung đầu tư một số trường trọng điểm đủ sức thu hút nhân tài người Việt đang giảng dạy nghiên cứu khắp nơi trên thế giới về làm việc - với cơ chế đặc biệt như “đặc khu”.

Cử nhân thất nghiệp là sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp!

Cử nhân thất nghiệp là sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp!

Tình trạng thừa cử nhân, hoặc cử nhân không làm được việc là do đào tạo tràn lan, thiếu quy hoạch đầu vào, không “phân luồng” từ khi tốt nghiệp THPT. Thừa thầy nhưng thiếu thợ, đó lại là một nghịch lý, nếu “tiêu thụ” tất cả vào khu công nghiệp là phí phạm nguồn lực đất nước một cách khủng khiếp.

Cả nước đang nói đến cuộc cách mạng 4.0 đầy háo hức, nhưng chưa thấy ai lo lắng cho việc đào tạo con người để tiếp thu cuộc cách mạng này. Chẳng lẽ, cứ nói cho được việc.

Không hiểu sao đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công 10 năm nay nhưng đến lúc này chưa đào tạo xong con người để vận hành? Đó là một minh chứng cho thấy người Việt đang “bắc nước đuổi gà” trong nhiều lĩnh vực.

Vậy đến năm nào nước ta mới đủ nhân lực phục vụ cách mạng 4.0? Hay rồi phải đi thuê, rồi mãi là mắt xích sau chót trong chuỗi lợi ích toàn cầu?

Còn tiếp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO